Thứ Tư, 22/01/2025 22:47 (GMT +7)

Chiến tranh thương mại và tác động đối với kinh tế toàn cầu

Thứ 7, 24/03/2018 | 09:40:00 [GMT +7] A  A

Các bài học trong quá khứ đã giúp các nhà kinh tế học hiểu rõ thực tế rằng các cuộc chiến thương mại thường gây tổn thất không hề nhỏ. Vấn đề khiến các nhà đầu tư quan tâm là mức độ thiệt hại đến mức nào?

Những động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc tăng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ đang là trung tâm của các mối quan ngại của giới đầu tư.

Cho tới nay, tác động từ các biện pháp áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm mà Tổng thống Trump công bố hồi đầu tháng này là tương đối nhỏ và hầu như chưa gây ảnh hưởng vĩ mô, như về lạm phát, tăng trưởng và việc làm của Mỹ, song nó tiềm ẩn những ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với thương mại giữa Mỹ và các nước khác trên toàn cầu.

Sản phẩm thép cán mỏng của Công ty sắt thép Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) ngày 23/6/2016. Ảnh: THX/TTXVN

14 tháng trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump tiếp tục thực hiện cam kết triển khai các biện pháp mạnh tay đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc mà ông “dán nhãn” là không công bằng. Ngày 22/3, ông đã công bố kế hoạch áp thuế mới đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá lên tới 60 tỷ USD và các biện pháp hạn chế khác đối với Bắc Kinh. Chính phủ Mỹ lâu nay đã chuyển hướng điều tra theo Điều 301 đối với hoạt động chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Việc Nhà Trắng sớm đi tới hành động trên là điều không nằm ngoài dự báo của các nhà quan sát, khi các cố vấn kinh tế theo chủ nghĩa “diều hâu” (những người tập trung hơn vào nguy cơ lạm phát và ủng hộ một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn) của ông Trump là Peter Navarro và Wilbur Ross đang chiếm ưu thế, sau khi ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế trưởng của ông, từ chức. Dường như Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chĩa mũi dùi sang Trung Quốc, trong khi Chính phủ của ông lại đang đưa ra những nhượng bộ thương mại đối với các đồng minh như Liên minh châu (EU), Brazil, Argentina, Australia và Hàn Quốc, trong đó tối thiểu cũng miễn trừ tạm thời việc đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm cho những nước này.

Động thái thắt chặt các biện pháp bảo hộ nằm trong chiến dịch “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump nói trên có thể dễ dàng dẫn tới kết cục trả đũa thương mại, thậm chí châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu, hoặc chí ít thì cũng dẫn tới các cuộc khẩu chiến triền miên. Phân tích đăng trên tờ “Financial Times” của Anh về vấn đề áp thuế nhập khẩu và tác động của nó đối với kinh tế vĩ mô của nước áp đặt thuế nhập khẩu cho thấy một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nếu xảy ra, sẽ tạo một cú sốc và có thể khiến tăng trưởng GDP của thế giới giảm 1-3 điểm phần trăm trong vài năm tới. Mặc dù giới đầu tư có thể nhìn nhận mức thiệt hại này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song cũng không loại trừ khả năng tình hình này trở nên xấu đi.

Các nhà kinh tế hẳn không thể quên những bài giảng đầu tiên rằng các cuộc chiến tranh thương mại luôn gây nhiều tổn thất. Những ký ức về Đạo luật áp thuế nhập khẩu Smoot-Hawley hồi năm 1930 với việc cho phép Mỹ đánh thuế trên 20.000 mặt hàng nhập khẩu vẫn chưa phai mờ. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy khi thuế nhập khẩu được áp đặt, thì chi phí thương mại xuyên biên giới gia tăng rõ ràng sẽ làm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu trên toàn cầu xét trên tương quan với sản lượng. Điều đó sẽ dẫn tới những mặt được và mặt mất trong dài hạn. Một số học thuyết thương mại quốc tế có từ nhiều thế kỷ qua cho thấy gần như không có gì phải tranh cãi rằng dòng chảy thương mại giảm sút sẽ khiến thuyết về lợi thế tương đối trở nên mất hiệu lực trong trường hợp này, đồng thời năng suất cũng sẽ bị ảnh hưởng và phúc lợi toàn cầu sẽ bị tổn thương.

Nếu một nước lớn áp thuế nhập khẩu thép, các nhà sản xuất thép Trung Quốc có thể sẽ buộc phải trang trải một phần tổn thất thông qua việc cắt giảm giá để duy trì vị thế trên thị trường Mỹ. Đối với Mỹ, nước này có thể cải thiện các điều khoản thương mại, thậm chí coi phúc lợi chung gia tăng như là cái giá cho việc nhập khẩu thép giảm. Trong một số trường hợp, áp thuế nhập khẩu là minh chứng cho việc bảo hộ các ngành công nghiệp còn non trẻ và ứng phó với các biện pháp cạnh tranh không công bằng, chẳng hạn như trợ cấp xuất khẩu mà chính phủ một số nước thực hiện. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng công kích các biện pháp cạnh tranh không công bằng này là giải pháp tích cực hơn so với việc áp thuế nhập khẩu để bù đắp thiệt hại. Về mặt kinh tế vĩ mô, việc thay đổi thuế nhập khẩu có thể dẫn tới sự thay đổi của nhiều “biến số” khác như tỷ giá hối đoái, lạm phát, chính sách tiền tệ và thất nghiệp. Điều có thể trở nên phức tạp hơn nhiều.

Hành động đánh thuế nhập khẩu thép của Mỹ có thể không dẫn tới sự gia tăng về sản lượng thép toàn cầu, song ảnh hưởng của nó đối với tổng cầu khá phức tạp. Khi Mỹ áp đặt thuế này thì trước tiên thu nhập ròng của Trung Quốc sẽ giảm. Tại Mỹ, các nhà sản xuất thép có thể được lợi, song người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thể bị thiệt hại, trong khi Chính phủ Mỹ thu lợi từ nguồn thu thuế tăng.

Nghiên cứu năm 1960 của nhà kinh tế học Robert Mundell chỉ ra rằng trong một thế giới tỷ giá hối đoái linh hoạt, thì kế hoạch áp thuế nhập khẩu mà Chính phủ Mỹ vừa công bố có chiều hướng giúp cải thiện cán cân thương mại, song cũng đẩy tỷ giá thực của đồng USD tăng lên. Điều đó có thể dẫn tới sự giảm sút về sản lượng kinh tế và việc làm tại Mỹ. Đồng tình với quan điểm này, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Maurice Obstfeld, hồi năm 2016 viết rằng nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Đông Á, chưa tính tới hành động trả đũa thì cũng đã khiến tỷ giá đồng USD tăng thêm 5% và GDP của Mỹ giảm đi 0,6% trong 5 năm tới. Nếu dự báo này là đúng thì các biện pháp thương mại của ông Trump có thể ví như “gậy ông đập lưng ông” và gây tác động bất lợi lên chính kinh tế Mỹ. Những tác động này có thể lớn hơn nữa, nếu nó gây ảnh hưởng tạm thời lên chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, khiến lòng tin sa sút do những bất ổn liên quan đến chính sách thương mại. Đó là chưa kể tới những hành động trả đũa thương mại.

Trong khi đó, theo nhận định của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) của tập đoàn The Economist, từ đầu năm 2018, chính sách thương mại đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tổng thống Donald Trump đang “đẩy” lập trường chính sách của nước Mỹ theo hướng bảo hộ. Mức độ leo thang của sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ cũng như tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào phản ứng của một số đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, trong đó đáng lưu ý là EU và Trung Quốc.

Phân tích của EIU cho rằng một sự trả đũa tương tự như biện pháp bảo hộ của Mỹ có thể đẩy chi phí hàng hóa đi lên, song có lẽ cũng ít có khả năng khiến tăng trưởng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại đáng kể. Dẫu sao, việc áp đặt hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ khó tránh khỏi làm lòng tin của giới doanh nghiệp sa sút, khiến giới đầu tư do dự trước các quyết định rót vốn, ảnh hưởng tới các mối quan hệ ngoại giao và triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, làn sóng mới về chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến thế giới khó ứng phó trước những nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong tương lai, xét từ khía cạnh thuế nhập khẩu tăng làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng.

Như Mai (P/v TTXVN tại London)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu