Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 23/12/2024 05:46 (GMT +7)
Cho, chia, hùn, mượn… trong văn hóa Tết ở Tây Nam Bộ
Thứ 5, 26/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Khi đặt chân đến vùng đất mới khai hoang lập nghiệp dựng nhà lập xóm, người dân Tây Nam Bộ hiểu hơn ai hết câu “tối lửa tắt đèn có nhau”. Tình làng nghĩa xóm bền chặt mới có thể giúp họ vượt qua biết bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên.
Ông bà khuyên con cháu rằng bán anh em xa, mua láng giềng gần. Mua và bán ở đây chỉ mang nét nghĩa tượng trưng. Bản tính hào phóng lại cần có nhau chung lưng đấu cật để vượt qua khó khăn, hoạn nạn, nên chuyện mua, bán ở vùng đất này khá đặc biệt mà ngày nay ít nhiều vẫn còn lưu dấu ấn.
1. Chuyện cho, đổi ngày Tết
Nhà quê, nuôi được chục vịt đẻ. Lượm trứng để dành, đến Tết, ngoài mớ nào để ăn, còn lại người ta mang cho hàng xóm, láng giềng. Nhà có trồng dưa hấu thì mang cho nhà kế bên cặp dưa chưng Tết. Nhà có cây mai vàng nở rực ngày Tết, thì chiều 30 mang sang bên kia sông cho nhà bà con để gia chủ trang trí cho bàn thờ rước ông bà thêm sắc xuân,… Vật phẩm đem cho cũng hết sức phong phú, từ dừa tươi, dưa khô, lon đậu, đến sấp lá chuối, bó lạt để gói bánh tét cũng được. Quan trọng là tấm lòng. Nhiều khi người ta còn cho cả túi nếp, thúng gạo để gói bánh, xay bột chuẩn bị đón năm mới. Họ nói với nhau một cách thật tình, thẳng thắn: Nhà có ít trứng vịt đem cho… ăn lấy thảo. Thảo theo Hán tự nghĩa là ngọt. Ăn để nhớ tấm lòng ngọt thơm của người mang cho. Dân gian miền quê cũng có câu bánh ít đi bánh quy lại. Nhận được của cho, người được cho sẽ mang đồ của nhà mình sang đáp lễ. Họ cũng không câu nệ về thời gian. Có thể họ cho lại ngay, cũng có khi mấy tháng sau cũng không ai để ý. Miễn sao đừng ăn không của người ta mà quên luôn thì kì cục lắm!
Hùn nhau làm bánh tét – một nếp sinh hoạt cộng đồng quen thuộc tại Nam Bộ. |
Gần với cho qua cho lại người miền quê còn dùng hình thức đổi cho nhau. Không có nếp thì mang gạo sang hàng xóm để đổi. Nhà ai có nếp sẵn sàng chia lại để láng giềng mình có cái vui ba ngày xuân, họ sẵn lòng. Tất nhiên, chỉ áng chừng và bên chủ động mang vật nhà mình đi đổi sẽ phải chịu thiệt đi chút đỉnh. Có khi nửa chục dừa khô đổi lấy quày chuối xiêm, hoặc vài lít đậu xanh đổi vài lít nếp,… đơn giản nhưng nghĩa cử đùm bọc mãi còn in dấu.
Ngày nay, chuyện cho qua cho lại này vẫn còn dư vị trong đời sống mà nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng lớn.
2. Hùn tức là cùng nhau gom góp sức lực để làm một việc gì đó. Ở thôn quê chuyện hùn gói bánh tét, hùn quết bánh phồng diễn ra khá phổ biến vào thế kỷ trước. Nhà tá điền nghèo, một mình không thể lo nổi nhiều thứ, thế là năm ba nhà rủ nhau hùn. Người có nếp thì ra nếp, người có dừa khô thì mang đến, người có đường thì hùn vô. Người tay không thì xin góp công, góp sức. Lựa nhà kha khá đăng ký làm.
Những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Nam Bộ giúp tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt. |
Đến ngày hẹn, những ngườì hùn kéo đến. Người ngâm nếp, gút nếp, người xay bột, người lột dừa, nạo dừa, người rửa cây cán bánh, người chuẩn bị chiếu lát hay mê bồ mới để phơi bánh,… Tiếng quết bánh phồng giục giã theo nhịp chày của đám thanh niên. Các bà, các cô thì nhanh tay cán bánh, trẻ con mang bánh ra phơi,… Nhộn nhịp tiếng cười đùa, trò chuyện. Đây cũng là dịp để nam nữ phải lòng nhau bày tỏ cảm tình, là nơi các bà, các ông dò xét tình ý chọn dâu, kén rể hoặc làm mai mối cho con cháu,… Sản phẩm làm ra thì chia nhau để nhà nào cũng có cái trước cúng ông bà, tổ tiên sau cho con, cho cháu ăn… ba ngày Tết. Vị bánh phồng ngọt lịm ngày nay như còn phảng phất nét văn hóa tự ngày xưa ấy vọng về!
3. Làng quê, kinh tế chủ yếu dựa vào đồng ruộng, việc đi chợ là chuyện trọng đại của người bình dân ngày trước. Thứ nhất do chợ xa, thứ hai do tiền bạc không dư dả gì. Bởi thế, khi ngày có đám tiệc hoặc Tết nhất người ta mới đi chợ. Còn thì có gì xài nấy, kiếm được cá tôm, hái cọng rau rừng, rau mọc hoang cũng qua bữa. Dư thì làm khô làm mắm để dành cho khi túng ngặt. Thịt heo ngày Tết thời ấy mà ra chợ thì vẫn còn là điều gì đó quá xa vời với nhiều gia đình tá điền, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời để làm ra hột lúa. Với họ có lúa là có được nhiều thứ sinh hoạt khác. Tục làm heo chia Tết cũng bắt đầu từ những ngày đầu cư dân đến đây sinh cơ lập ấp.
Lối ngày hai bảy, hai tám Tết, trong xóm có nhà ai đó nuôi heo chừng trên dưới một tạ, họ sẽ rủ láng giềng tới chia thịt. Heo làm xong, ra thịt, thịt được chia cho mọi người. Mỡ để gói bánh tét, giò để hầm măng cúng ông bà ngày ba mươi, thịt đùi thì kho trứng vịt nước dừa. Nói là chia nhưng giá trị thịt, mỡ được tính bằng lúa, hoặc bằng công gặt, công cấy cho mùa vụ tới. Cái giò heo chừng hai ký tính bằng bốn giạ lúa. Miếng xương mông tính bằng một công tầm cấy (dân gian miệt này dùng khái niệm tầm điền tương đương 1.000 thước vuông, công tầm cấy còn gọi là tầm lớn tương đương 1.300 thước vuông!) Không có tiền thì đem sức lao động đi đổi. Nhà nghèo, cũng ráng sức làm để kiếm cho con nồi thịt kho, hoặc gói ít đòn bánh. Cực khổ quanh năm ăn chơi vài bữa ai tính toán làm gì, cứ xả láng, sa mưa hãy trả,…
Ngoài việc chia thịt heo, người ta còn chia cặp vịt, con gà cũng theo cách tính áng chừng và quy ra lúa, ra công như vậy.
Rõ ràng dấu ấn tự túc tự cấp in đậm trong các khái niệm cho, hùn, chia… ấy. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, bên cạnh sự mua bán, tình thân giúp cho nhau vẫn hiện lên khá rõ qua cách nhắm chừng, bán mão,… ít ai tính toán chi ly như cách cân, đo, đong, đếm,… thời hiện đại.
Ý kiến ()