Thứ Bảy, 11/01/2025 20:53 (GMT +7)

Cho vay trả lương ngừng việc: Giải pháp để doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Thứ 4, 11/05/2022 | 12:08:55 [GMT +7] A  A

Triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, từ khi thực hiện đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 100 hồ sơ đề nghị vay vốn của 37 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho hơn 29.000 lượt người lao động, phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với số tiền hơn 109 tỷ đồng. Chính sách thiết thực này được xem là phao cứu sinh giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Ông Ng Chin Chai – CEO công ty King Loy Enterprise (bìa trái) bày tỏ vui mừng vì tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ

 Là doanh nghiệp có vốn đầu tư Hồng Kông, công ty King Loy Enterprise, huyện Cần Giuộc hiện có khoảng 1.600 lao động. Thời gian cao điểm bùng phát dịch COVID-19, công ty không đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” nên gián đoạn khoảng 3 tháng. 2 tuần đầu tiên khi tạm ngừng việc, công ty hỗ trợ 70% lương cho công nhân, sau đó tiếp cận được nguồn vốn chính sách, vay hơn 16 tỷ đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho gần 4.300 lượt người lao động.

Công nhân công ty King Loy Enterprise an tâm lao động, sản xuất

          Ông Ng Chin Chai – CEO Công ty King Loy Enterprise, Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng, huyện Cần Giuộc bày tỏ: “Việc Chính phủ Việt Nam cho vay hỗ trợ đã giúp chúng tôi có nguồn vốn thanh toán lương kịp thời cho công nhân viên sau khi trở lại làm việc, giúp nhà máy duy trì hoạt động ổn định, công nhân được đảm bảo cuộc sống, yên tâm làm việc. Công ty King Loy Enterprise rất cám ơn sự hỗ trợ quý báu này từ Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cần Giuộc, chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm góp phần đảm bảo cung cấp việc làm ổn định cho công nhân viên của mình”.

          Theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, UBND huyện Cần Giuộc chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội làm tốt công tác xác định đối tượng, phổ biến đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn về chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Quý I/2022, huyện Cần Giuộc có 9 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, số tiền hơn 23 tỷ đồng

          Bà Đào Thị Ngọc Vui – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc cho biết: “Trong bối cảnh dịch COVID-19, huyện Cần Giuộc là huyện vùng đỏ của tỉnh Long An, thì việc cho vay các doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất rất có ý nghĩa trong thời gian thực hiện giãn cách. Tính đến thời điểm 31/3, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện cho vay 9 doanh nghiệp với tổng số tiền 23 tỷ đồng cho khoảng 6.000 lượt lao động trên địa bàn huyện. Kết quả cho vay trên cũng giúp các doanh nghiệp từng bước khắc phục khó khăn, giữ chân người lao động, tránh thiếu hụt nguồn lao động và đứt gãy chuỗi sản xuất trong phục hồi sản xuất”.

          Còn tại Đức Hòa, công ty TNHH sản xuất thương mại Garmenttech Pro hoạt động lại sau dịch COVID-19 từ đầu tháng 10/2021 và nhanh chóng tiếp cận với Nghị quyết số 68 qua sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, kịp thời vay vốn trả lương cho công nhân trong 3 tháng tiếp theo.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19

          Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX TM Garmenttech Pro, KCN Tân Đô, huyện Đức Hòa khẳng định: “Phải nói là Nghị quyết 68 rất ý nghĩa và là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, nhờ đó mà chúng tôi mới kịp thời ổn định đời sống của cán bộ, công nhân viên cũng như phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất của công ty để từng bước vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19. Thời điểm hiện tại, chúng tôi đã vượt qua được 70%, còn 30% còn lại chúng tôi nghĩ là trong khoảng 3 tháng tới thì chúng tôi sẽ phục hồi”.

          Thống kê trong quý I/2022, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 50 hồ sơ đề nghị vay vốn của 11 người sử dụng lao động với số tiền hơn 79 tỷ đồng để trả lương cho hơn 20.000 lượt người lao động. Có thể nói, trong thời điểm phải đối mặt cùng lúc với nhiều khó khăn do đại dịch, chính sách này như chiếc “phao cứu sinh” giúp người sử dụng lao động thêm nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Thanh Thủy – Minh Hồng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu