Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 11:00 (GMT +7)
Chủ động các biện pháp phòng tránh mưa lũ
Thứ 3, 05/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn ngày 4/7 đã có công điện số 11 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc.
Mưa to khiến mực nước sông Cầu đã dâng cao đến sát đường ven đê thuộc khu vực phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN |
Các địa phương gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ và Thái Nguyên. Công điện cũng được gửi đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Y tế.
Công điện nêu rõ: Theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 30/6 đến nay, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió, khu vực Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to; một số nơi có lượng mưa rất lớn như: Mường Lay (Điện Biên) 210mm, Bắc Quang (Hà Giang) 380 mm, Thái Nguyên 185 mm, Móng Cái (Quảng Ninh) 550 mm, Quảng Hà (Quảng Ninh) 615 mm. Ngoài ra, do mưa lớn, dòng chảy vào Việt Nam từ phía Trung Quốc có dấu hiệu tăng dần, đặc biệt là nhánh sông Đà vào hồ thủy điện Lai Châu.
Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ và các tình huống bất thường có thể xảy ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm c ứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các bộ, ngành triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, đặc biệt mực nước trên các sông suối biên giới; cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. S ẵn sàng, chủ động triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp, có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Căn cứ diễn biến mưa lũ, chủ động tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông trên sông, hồ chứa, hướng dẫn người qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; vận hành hồ chứa theo quy trình được cấp có thẩm quyền ban hành để đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, trao đổi thông tin về tình hình mưa lũ, dòng chảy, xả lũ các hồ chứa thượng nguồn hệ thống sông Hồng – Thái Bình trên lãnh thổ Trung Quốc để thông tin, cảnh báo kịp thời.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.
Bộ Công Thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa lớn cắt lũ trên lưu vực sông Hồng.
Các bộ, ngành theo nhiệm vụ được phân công chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ; hoàn thành sớm công tác kiểm tra theo phân công tại Quyết định số 42/QĐ-TWPCTT ngày 6/5/2016 của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cung cấp cho các địa phương tài liệu hướng dẫn ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất để phổ biến, hướng dẫn nhân dân chủ động phòng, tránh (tại địa chỉ trang thông tin điện tử www.phongchongthientai.vn ).
Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, tránh thiên tai; tùy theo diễn biến mưa lũ, tăng thời lượng phát sóng các bản tin thiên tai, văn bản chỉ đạo để các cấp chính quyền cơ sở và người dân chủ động ứng phó.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Ý kiến ()