Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 18:10 (GMT +7)
Chủ động tham mưu đề xuất giải pháp tài chính tiền tệ
Thứ 4, 07/03/2018 | 14:51:00 [GMT +7] A A
Ngày 6/3 tại Hà Nội, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (2008-2018) tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ủy ban cần làm việc hiệu quả hơn, phát huy năng lực của 100 cán bộ, công chức, chuyên gia đang làm việc tại đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Đánh giá cao kết quả hoạt động của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia 10 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những ngày đầu thành lập, trong điều kiện còn hạn chế về nguồn nhân lực nhưng tập thể cán bộ, công chức Ủy ban đã nỗ lực nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định hệ thống tài chính ngân hàng.
Những góp ý, đề xuất của Lãnh đạo Ủy ban tại các cuộc họp Chính phủ hàng tháng luôn nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao và được lưu tâm trong quá trình chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.
Cùng với việc làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban đã đưa ra nhiều báo cáo về giám sát chung thị trường tài chính; tổng quan thị trường tài chính; giám sát các tập đoàn tài chính; tình hình kinh tế – xã hội hàng tháng. Gần đây là một số báo cáo chuyên đề đánh giá về chính sách tài chính, tiền tệ; diễn biến thị trường tài chính, tình hình khu vực doanh nghiệp, thị trường bất động sản…
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, hiệu quả tham mưu tư vấn của Ủy ban chưa đáp ứng được mong đợi dù cơ quan này có biên chế hơn 100 người. Một số đề xuất, khuyến cáo chính sách còn thiếu cụ thể, thiếu tính tổng thể, hệ thống; tính khả thi, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn những cán bộ, công chức chưa thực sự cố gắng, chưa nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, còn tình trạng thiếu chủ động sáng tạo, sát sao trong công việc…
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển trong khi tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và có nhiều tiềm ẩn, tình hình trong nước diễn biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, trong đó có Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia là rất nặng nề.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban phải chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, nhất là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, hai lĩnh vực chính là kinh tế vĩ mô và giám sát thị trường tài chính.
Nhiệm vụ quan trọng khác Thủ tướng yêu cầu Ủy ban tập trung phân tích đánh giá tình hình, nhất là những rủi ro tiềm ẩn của thị trường tài chính, các hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp, trong đó bao gồm các công cụ, cả công cụ xác định rủi ro và các tiêu chí đánh giá an toàn hệ thống tài chính; bảo đảm từng bước theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương lao động hạng Ba cho Uỷ ban giám sát Tài chính Quốc gia. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng đề nghị Ủy ban phải chủ động hơn, kịp thời hơn trong tham mưu đề xuất các giải pháp ổn định hệ thống tài chính tiền tệ; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; thường xuyên cập nhật, phân tích, báo cáo tình hình tài chính quốc tế trong nước, cả về các thị trường tài chính chứng khoán, bảo hiểm; có đề xuất tham mưu kịp thời với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng gợi ý Ủy ban nghiên cứu kỹ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Nghị quyết 01 của Chính phủ, từ đó đề xuất các kịch bản, đưa ra các đối sách, giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra. Đề xuất đó không chỉ trong báo cáo mà cả các giải pháp trong văn bản hành chính chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Cho biết trên thế giới có nhiều nước áp dụng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro về vĩ mô và thị trường tài chính một cách khá hiệu quả, Thủ tướng đề nghị Ủy ban nghiên cứu báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.
Trong vấn đề giám sát, quản lý các tập đoàn, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần chủ động phối hợp hiệu quả với các bộ, cơ quan giám sát chuyên ngành trong việc rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các tập đoàn tài chính, ngân hàng và cơ chế giám sát các tập đoàn này, bởi đây là nhiệm vụ rất quan trọng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng mong muốn Ủy ban tập trung nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt lưu ý chất lượng nhân lực của Ủy ban, yếu tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng tham mưu tư vấn “không cần quá đông người nhưng phải tinh, phải đảm bảo chất lượng”, Thủ tướng yêu cầu.
Trong thời gian tới, Ủy ban cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tổ chức một số hội nghị, hội thảo chuyên đề, mời các chuyên gia, diễn giả quốc tế và trong nước tập trung bàn sâu về những vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách của đất nước để kịp thời tham mưu tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, đặc biệt là trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu và phân tích nghiên cứu tổng hợp, báo cáo.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động Hạng Ba tặng Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và các danh hiệu khen thưởng cấp Nhà nước cho một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức của Ủy ban qua các thời kỳ.
Theo báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước, sau 10 năm hoạt động, Ủy ban đã xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về thị trường tài chính, gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; hoàn thiện hệ thống dữ liệu về kinh tế vĩ mô, thu thập và xử lý dữ liệu về doanh nghiệp, thị trường bất động sản, hộ gia đình.
Ủy ban đã thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thu thập, xử lý thông tin từ 320 định chế tài chính. Hệ thống dữ liệu này cũng được chia sẻ với Văn phòng Chính phủ thông qua hệ thống Quản trị Thông tin Doanh nghiệp. Ủy ban cũng đã nghiên cứu, áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực và thông lệ giám sát quốc tế về định dạng, đo lường và ngăn ngừa rủi ro.
Ý kiến ()