Cùng dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự nêu rõ, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng là bắt tay vào xây dựng bộ máy nhà nước để kháng chiến, kiến quốc, trong đó có nhiệm vụ thi hành án.
Ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 130 quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên, đặt nền móng cho sự ra đời, xây dựng và trưởng thành của hệ thống thi hành án.
Trải qua 70 năm, hệ thống thi hành án dân sự đã có sự trưởng thành về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ. Thể chế về công tác thi hành án dân sự cơ bản được hoàn thiện. Kết quả thi hành án dân sự ngày càng cao, năm sau cao hơn năm trước và có xu hướng bền vững, cơ bản đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Giai đoạn 2011-2015, toàn hệ thống đã thi hành xong hơn 2,3 triệu việc, tương ứng về giá trị là 131.326 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình là 88% về việc và 76% về tiền.
Với những thành tựu đạt được, hệ thống thi hành án đã và đang trực tiếp bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Trải qua 70 năm, hệ thống thi hành án dân sự đã có sự trưởng thành về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương những kết quả, thành tích to lớn mà các thế hệ cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong hệ thống thi hành án dân sự đã đạt được trong chặng đường 70 năm qua.
Chủ tịch nước cho rằng, trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức đan xen, với vai trò là một khâu của quá trình thực thi công lý trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thi hành án dân sự đặt ra rất nặng nề.
Chủ tịch nước đề nghị, hệ thống thi hành án dân sự cần tập trung đổi mới các mặt công tác, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi. Qua đó góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, hệ thống thi hành án dân sự cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện thể chế công tác thi hành án dân sự, quản lý nhà nước về thi hành án hành chính, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, khả thi của các văn bản pháp luật.
Cùng với đó, ngành cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thi hành án dân sự để vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân, vừa bảo đảm xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp người phải thi hành án cố tình trốn tránh, chống đối, không chấp hành việc thi hành án dân sự.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị: “Hệ thống thi hành án dân sự cần tập trung nguồn lực triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao. Xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật và cơ quan tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chủ động các điều kiện cần thiết bảo đảm công tác thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài trong quá trình nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng và thực hiện đầy đủ các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành cần xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và các án tồn đọng. Đồng thời củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy; triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại, từng bước thực hiện xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, coi đó là nhiệm vụ chính trị của toàn ngành.
Chủ tịch nước tin tưởng, với bề dày truyền thống và những thành tích đạt được trong 70 năm qua, hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho hệ thống thi hành án dân sự./.
Ý kiến ()