Tại buổi tiếp xúc cử tri, các ý kiến bày tỏ hoan nghênh Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành công tác nhân sự; mong muốn các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chương trình hành động đã được nêu tại các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.
Cử tri cũng đưa ra nhiều kiến nghị về các vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, nợ công, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường nước, hành lang pháp lý bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước những diễn biến phức tạp gần đây…; Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng đại biểu chuyên trách để bảo đảm độc lập trong công tác lập pháp, thay đổi phương thức tiếp xúc cử tri để cử tri được tiếp xúc nhiều hơn với đại biểu Quốc hội trong các hội nghị tiếp xúc.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, nợ công là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm, là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia. Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công của nước ta đến cuối năm 2015 đã chiếm 62% GDP, đang gây áp lực lớn về chi trả nợ…
Nhiệm vụ thời gian tới là phải kiểm soát tốt hơn những nhân tố dẫn đến nợ công để giảm thiểu rủi ro; tăng cường kiểm toán việc chi tiêu các khoản vay nợ, từ đó xử lý nợ công trong ngưỡng an toàn, hiệu quả.
Đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến của cử tri cho rằng kết quả đạt được thời gian qua trong công tác phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng sự mong mỏi, yêu cầu đề ra. Tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của dân tộc, vì vậy Đảng và Nhà nước đã xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, huy động sức mạnh của toàn dân, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, chúng ta phải dấy lên phong trào và trong Nghị quyết của Đảng cũng đã nói mọi cán bộ, đảng viên, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, những người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan đơn vị, phải đi đầu về vấn đề này.
Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách thường xuyên liên tục và tạo sự phối hợp chặt chẽ và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trong đó các cơ quan chức năng đóng vai trò nòng cốt.
“Chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành trong đấu tranh phòng chống tham nhũng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh./.
Ý kiến ()