Nhân dịp Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiều 16/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Đoàn đại biểu doanh nhân Việt Nam.
Đây là 100 doanh nhân tiêu biểu, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham dự “Diễn đàn Bác Hồ với doanh nghiệp, doanh nhân” và phát động phong trào thi đua “doanh nhân Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Các đại biểu doanh nhân đã báo cáo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về tình hình hoạt động của doanh nghiệp hiện nay, nêu những kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển lớn mạnh, đóng góp hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Phát biểu với các đại biểu doanh nhân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng, biểu dương những kết quả, thành tích xuất sắc của doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước hoan nghênh các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) với các chương trình hành động, cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua lao động, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, thu hút đông đảo người lao động tham gia.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã đạt được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong công việc của đội ngũ doanh nhân và người lao động, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
Nhắc lại câu chuyện Bác Hồ ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công đã rất coi trọng việc phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong công cuộc chấn hưng kinh tế nước nhà, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã trải qua 30 năm và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử…
Chủ tịch nước cũng lưu ý, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cơ bản, đất nước cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, hoạt động hiệu quả, sức cạnh tranh cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt nhiều kỳ vọng vào doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc hội nhập chủ động, để Việt Nam không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình.”
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, ứng dụng những thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư… hình thành chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.
Chủ tịch nước dẫn chứng, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đã khẳng định doanh nhân là một trong bốn lực lượng chủ yếu trong thời kỳ mới của cách mạng, đó là: giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới Công – Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công – Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”./.
Ý kiến ()