Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, cử tri đánh giá cao thành công của kỳ họp thứ nhất, nhất là công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước có sự chuẩn bị kỹ và đạt sự đồng thuận cao. Ngoài ra, dù là kỳ họp đầu tiên của khoá mới, với 2/3 đại biểu Quốc hội lần đầu tham gia Quốc hội nhưng các ý kiến thảo luận về tình hình KT-XH, chương trình giám sát và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đều rất sôi nổi, chất lượng, báo hiệu một nhiệm kỳ với các vấn đề sẽ được thẳn thắn đặt ra trên nghị trường.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu để đổi mới hoạt động, nhất là chuyển từ “tham luận” sang “tranh luận” như thông điệp Quốc hội mới đưa ra ngay đầu khoá. Thực tế kỳ họp vừa qua còn nhiều bài phát biểu được chuẩn bị sẵn, đăng ký theo bấm nút và trình bày hết thời gian 7 phút chứ chưa thực sự tranh luận đến cùng vấn đề.
Từ thực tế các khoá trước cũng như từ Kỳ họp thứ nhất, các ý kiến đề nghị cần rút kinh nghiệm và siết chặt các khâu để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong những kỳ họp tới, mà trước mắt là kỳ họp thứ 2. Trong đó, công tác xây dựng luật cần phải được chú trọng đổi mới.
“Để có đảm bảo chất lượng dự án luật thì chất lượng dự thảo luật và thời gian gửi dự thảo là rất quan trọng. Với dự thảo không đảm bảo thì cần cương quyết trả lại. Sự cố Bộ luật Hình sự có nguyên nhân từ chất lượng dự thảo trình giai đoạn đầu chưa đảm bảo nhưng ta nể nang, thời gian chưa đảm bảo nhưng vẫn dễ dãi chấp nhận”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến và cho rằng khi dự thảo “đẩy sang” giai đoạn thẩm tra rồi thì sự tham gia của ban soạn thảo chỉ có mức độ, còn cơ quan thẩm tra “bơi kiểu gì thì bơi cho đến khi dự án luật trình ra Quốc hội”.
Cũng theo bà Nga, việc phân công cán bộ của cơ quan bộ ngành tham gia cũng còn vấn đề, nhiều khi lãnh đạo có tham gia ở mức độ còn lại “khoán trắng” cho chuyên viên, rồi sau đó “chạy tiếp sức” khi lúc đầu đồng chí A dự, rồi đến đồng chí B, đồng chí C, có người không thông thạo lĩnh vực hoặc tham gia “bữa đực bữa cái”. Do đó cần làm chặt để đảm bảo chất lượng.
Góp ý vào việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải thì đặt vấn đề cử tri và nhân dân rất quan tâm đến giải quyết hậu quả vụ Formosa, nợ công và phòng chống tham nhũng nên các cơ quan liên quan cần có báo cáo cụ thể hơn.
“Tại kỳ họp vừa qua vấn đề Formosa được báo cáo rõ, Chính phủ có đề cập vấn đề giải quyết cho dân thì tại kỳ họp thứ 2 báo cáo thực hiện thế nào để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Vừa rồi tiếp xúc cử tri, người dân rất quan tâm vấn đề Formosa, nợ công và phòng chống tham nhũng nên các báo cáo cụ thể hơn làm cơ sở cho đại biểu tham khảo. Vấn đề Formosa cần có báo cáo riêng” – ông Hải nêu ý kiến.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, từ dư luận và ý kiến đại biểu nổi lên vấn đề các dự án nghìn tỷ không phát huy hiệu quả, không đưa vào sử dụng trong khi sử dụng vốn ngân nhà nước nên Quốc hội cần giám sát.
“Nếu được yêu cầu Chính phủ báo cáo đánh giá hiệu quả dự án. Đại biểu Quốc hội và báo chí nêu nhiều dự án chậm tiến độ, đắp chiếu… Cái này Quốc hội phải giám sát, phải nắm nên cần báo cáo. Một số dự án lớn Quốc hội quyết định đầu tư trước đây ghi rõ hàng năm báo cáo Quốc hội thì nay có báo cáo hay không, hiệu quả thế nào. Đây là vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm”- ông Hà Ngọc Chiến nói.
Nêu tình trạng danh sách dự án “đắp chiếu”, thua lỗ ngày càng dài ra, có công trình tiếp tục xin cơ chế, xin tiền khiến nhân dân rât quan tâm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cho rằng cần yêu cầu Chính phủ báo cáo thể hiện phân biệt dự án nào nhất quyết phải giữ, công trình nào dứt khoát không dùng nguồn Nhà nước để “nuôi” nữa để đảm bảo minh bạch, thể hiện thông điệp công khai và thái độ dứt khoát.
“Quốc hội cũng phải thể hiện thái độ dứt khoát. Ví dụ vấn đề Formosa, nợ xấu, nợ công. Kỳ họp tới Quốc hội phải thể hiện thái độ rõ ràng”- ông Trần Văn Tuý nêu quan điểm.
Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh: “Việc khắc phục sự cố Formosa được báo cáo thế nào. Tiền nhận rồi thì hỗ trợ ngư dân đến đâu, việc giám sát xả thải ở 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Formosa thế nào? Tôi đã trả lời báo chí là Quốc hội sẽ giám sát vấn đề này. Rồi công trình nghìn tỷ mỗi ngày lỗ bao nhiêu, cần báo cáo vì vấn đề này thành tâm điểm quan tâm. Nói nhiều nhưng có bao nhiêu dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu, thua lỗ, không hoạt động, nằm ở đâu, trách nhiệm và khắc phục thế nào? Rồi boxit Tây Nguyên cũng phải xem lại, lâu rồi hơi im hơi lặng tiếng”./.
Ý kiến ()