Thứ Ba, 14/01/2025 18:33 (GMT +7)

Chuỗi 7-Eleven chuẩn bị mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam

Thứ 3, 16/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Một cửa hàng 7-Eleven ở Singapore. (Nguồn: wikimedia.org)

Báo Financial Times của Anh vừa có bài viết đánh giá về tiềm năng thị trường bán lẻ của Việt Nam, theo đó nhận xét thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh và nhiều thách thức.

Việc các hãng bán lẻ đang mọc lên nhiều được cho là do thủ tục kinh doanh tại Việt nam sẽ được nới lỏng. Các thủ tục mở các cửa hàng nhỏ với diện tích sàn dưới 500m² sẽ đơn giản hơn và quy định trên có thể có hiệu lực vào cuối năm 2016.

Theo ước tính của một tập đoàn nước ngoài, thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt doanh thu khoảng 109,8 tỷ USD trong năm 2015, tăng 2,4 lần so với 5 năm trước, và dự kiến sẽ đạt 179 tỷ USD vào năm 2020.

Các công ty nước ngoài đang vào Việt Nam để tranh thủ lấy thị phần của thị trường có 93 triệu dân này.

Trong năm 2014, Tập đoàn Aeon của Nhật Bản đã mở trung tâm mua sắm lớn đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hãng Aeon sau đó bổ sung thêm ba trung tâm ở Hà Nội và các nơi khác với trung tâm mới nhất mở cửa vào tháng 7/2016.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ 7-Eleven cũng sẽ mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 2/2018.

Trong khi các công ty nước ngoài có lợi thế về vốn, thiết kế cửa hàng, dòng sản phẩm, công nghệ và năng lực để đối phó với những hạn chế về cơ sở hạ tầng tại Việt Nam thì các doanh nghiệp trong nước cũng đang tìm kiếm, tận dụng các lợi thế cạnh tranh để nắm thị phần.

Financial Times cho biết từ khi mua lại một chuỗi cửa hàng bán lẻ trong nước vào tháng 10/2014, Vingroup đã khai trương siêu thị VinMart vào năm 2015 và hiện đưa và hoạt động 880 cửa hàng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Vingroup tận dụng thế mạnh trong kinh doanh bất động sản và xác định giành lấy các vị trí cửa hàng tốt trước khi các công ty nước ngoài tràn vào Việt Nam, thậm chí chấp nhận việc có tới 30% các cửa hàng mới không có lãi trong giai đoạn đầu mới mở cửa.

Vingroup có kế hoạch mở 400 trung tâm mua sắm vào cuối năm 2019 và các cửa hàng thiết bị gia dụng.

Hiện, các nhà bán lẻ trong nước cũng muốn cạnh tranh với những doanh nghiệp mới như Tập đoàn Vingroup.

Việt Nam đã ký hai hiệp định thương mại lớn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Theo nghiên cứu vào tháng 6/2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cạnh tranh từ các nhà đầu tư TPP, EU trên thị trường bán lẻ Việt Nam có thể sẽ gay gắt hơn.

Tuy nhiên, cam kết của TPP và EVFTA về mở cửa thị trường hàng hóa và thương mại điện tử cũng hứa hẹn những nguồn cung mới, “hấp dẫn và hiệu quả” cho thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu