Tất cả chuyên mục

Nếm trải nhiều mùa “mía đắng”, người dân ở huyện Bến Lức, vùng nguyên liệu mía lớn nhất của tỉnh Long An đã tìm hướng chuyển đổi cây trồng. Bước đầu cho thấy, cây trồng mới trên đất mía đang phát huy hiệu quả.
Cây chanh – cây trồng chuyển đổi hiệu quả nhất trên đất mía với lợi nhuận 60-150 triệu đồng/hecta
Toàn bộ diện tích này trước đây được gia đình bà Nguyễn Thị Buôi xã Thạnh Hòa trồng mía. Nhưng do giá cả xuống thấp, trong khi chi phí đầu tư, nhân công đều tăng cao khiến gia đình bà thua lỗ liên tiếp nhiều năm liền với khoảng nợ hơn 100 triệu đồng. Quá ngán ngẫm với cây mía, năm 2017, gia đình bà quyết định chuyển đổi sang cây chanh. Với 2,5 hecta chanh, mỗi năm mang về lợi nhuận từ 150-180 triệu đồng, nhờ đó, bà Buôi trả được nợ nần, ổn định cuộc sống. Bà Buôi chia sẻ: ‘hồi xưa ông xã tôi trồng mía, năm nào ổng cũng lỗ, nợ nần tiền phân thuốc, tiền nhân công, thấy vậy thôi tôi bàn với ổng mạo hiểm chuyển sang trồng chanh. Tuy không làm giàu nhưng cây chanh cho thu nhập đủ sống, 2 vợ chồng nhờ đó mà cũng trả được nợ’.
Nhờ cây chanh mà bà Buôi trả được nợ nần, ổn định cuộc sống
Sớm hơn bà Buôi, từ năm 2010, ngay khi nhận thấy cây mía mất dần vị thế hoàng kim một thời, ông Huỳnh Văn Hỷ liền chuyển đổi sang trồng chanh và hiện tại là trồng ổi nữ hoàng. Vườn ổi của vợ chồng ông Hỷ đang có 750 gốc ổi trên diện tích gần 6 công đất. Với giá bán ổn định, trung bình 11.000 đồng/kg, mỗi năm mang về cho ông bà thu nhập 120 triệu đồng, cao gấp 5 lần cây mía lúc trúng giá. Ông Hỷ cho biết ‘ngày xưa ở đây bà con sống nhờ cây mía hết đó chứ, còn bây giờ khổ lắm. Cây mía càng ngày càng rớt giá, từ 800 ngàn/tấn xuống còn có 300 ngàn/tấn, trong khi tiền nhân công thì tăng, bởi vậy mà ai ai cũng bỏ mía chuyển sang cây khác hết. Như tui chuyển sang trồng ổi vậy mà có ăn. Trồng, chăm sóc nhẹ nhàng, thu nhập mỗi ngày, hiện đầu ra cũng ổn định’.
Thời hoàng kim, những năm 1998, 1999, toàn huyện Bến Lức có đến 13.000,14.000 hecta mía và được quy hoạch là vùng nguyên liệu mía của Long An. Nhưng sau khi lần lượt 2 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đóng cửa, cây mía ách tắt đầu ra, người dân thua lỗ và cứ thế diện tích mía ở Bến Lức thu hẹp một cách nhanh chóng đến nay chỉ còn 300 hecta. Thay vào đó, quá trình chuyển đổi cây trồng trên đất mía diễn ra mạnh mẽ với đa dạng cây trồng nhưng chủ yếu vẫn là cây chanh.
Huyện Bến Lức có 260 hecta ổi được chuyển đổi từ đất mía
Ông Lê Văn Nam – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức cho biết: “Người dân bỏ mía chuyển sang nhiều loại cây trồng khác như thanh long, thơm, mì, ổi, cây mai…nhưng hiệu quả cao nhất vẫn là cây chanh. Hiện Bộ Nông nghiệp đã có quyết định hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho vùng chuyên chanh Bến Lức, Đức Huệ với nguồn vốn của Bộ là 100 tỷ đồng, đối ứng của tỉnh là 70 tỷ đồng, của ngành điện lực là 20 tỷ đồng. Đề án thứ 2 là Bộ nông nghiệp Hà Lan sẽ tài trợ cho Long An, trong đó có riêng Bến Lức là khoảng 5 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp bền vững đối với cây chanh”
Với những định hướng đầu tư lâu dài, bền vững cho cây chanh được chuyển đổi từ đất trồng mía đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân và ngành nông nghiệp Bến Lức./.
Duy Huệ – Bảo Phúc
Ý kiến ()