Thứ Hai, 13/01/2025 21:31 (GMT +7)

Chuyển đổi số thích ứng với đại dịch COVID-19

Thứ 3, 25/05/2021 | 10:05:00 [GMT +7] A  A

Trong khi dịch COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, gây xáo trộn tới đời sống xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi hoạt động kinh tế thì nhu cầu chuyển đổi số lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

53% dân số hiện nay đã và đang tham gia mua bán trực tuyến, tạo đà cho thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18% và đạt 11,8 tỷ đô la Mỹ (USD). Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN

Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp và ở nhiều địa phương đang coi việc chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức hoạt động như một trong những giải pháp để không chỉ thích ứng với tình hình khó khăn của đại dịch, mà còn là hướng phát triển mới, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Việc chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), 53% dân số hiện nay đã và đang tham gia mua bán trực tuyến, tạo đà cho thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18% và đạt 11,8 tỷ đô la Mỹ (USD), tương đương 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Trong khi đó, năm 2020 cũng đã có 30% doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua các ứng dụng trên Internet và 33% người tiêu dùng Việt Nam đã thực hiện chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi tham gia mua sắm trực tuyến. Việc hiện đại hóa các cách thức tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến từ khâu đặt hàng đến nhận hàng của người tiêu dùng đã giúp một số doanh nghiệp vượt qua được các thời kỳ khó khăn của dịch bệnh và đạt mức tăng trưởng về doanh thu như Tiki, Speed Lotte hay Co.opmart, BigC hay VinID…

Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường thì đều là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng. Tiêu biểu như Ngân hàng Thương mại cổ phần MB Bank, Cộng Cà Phê, F88, Phong Vũ hay ToCoToCo… Đây là những doanh nghiệp được đánh giá là chuyển đổi số thành công, theo khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report).

Đại diện nhóm nghiên cứu của Vietnam Report, Tổng giám đốc Vũ Đăng Vinh cho biết, qua khảo sát thực trạng chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã thực sự coi chuyển đổi số là quá trình tất yếu cần phải xảy ra để mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn, chuyên nghiệp hơn và gia tăng năng suất lao động cũng như xây dựng nên chân kiềng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Nhìn chung, hạ tầng phần cứng trong các doanh nghiệp lớn hiện nay đáp ứng khá tốt nhu cầu của quá trình số hóa doanh nghiệp với trên 89% ý kiến phản hồi đồng ý và hoàn toàn đồng ý. Phần lớn các doanh nghiệp cũng đều hiểu rõ viễn cảnh tương lai của ngành và doanh nghiệp trong kỷ nguyên số và chỉ khoảng 1/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát còn tỏ ra chậm trong nỗ lực chuyển đổi.

Mặc dù, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đang khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nhất là đối với các ngành dịch vụ, y tế, giao thông vận tải, du lịch…. thì vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa tạo được những bước tiến đáng kể như mong đợi. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn rất mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số thì phần lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cũng chưa có cơ hội tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số, chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số, thiếu sự thấu hiểu khách hàng, nguồn thu thập và lưu trữ dữ liệu vận hành và thiếu chiến lược kinh doanh trên nền tảng số, ông Vinh nhận định.

Theo số liệu thống kê do Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tiến hành đối với gần 2.700 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc; 61% doanh nghiệp còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu nhập cuộc. Hầu hết các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức vẫn chưa biết phải bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ đâu; tư duy ngại thay đổi, sợ rủi ro chính là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Chuyển đổi số đang thiếu lộ trình cụ thể và thiếu sự cân bằng giữa công nghệ và các nguồn lực nội bộ tại các doanh nghiệp.

Trước thực trạng này, theo Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, doanh nghiệp dù ở lĩnh vực nào thì các công nghệ hỗ trợ nhân viên, phát triển đội nhóm hay phần mềm quản lý dự án đều là những ưu tiên hàng đầu. Việc chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi quy trình vận hành của doanh nghiệp được tinh giản, thông minh hóa và nhân viên có tác phong làm việc hiện đại, được trang bị các công cụ dễ hiểu, gắn kết và tương tác với khách hàng đa kênh một cách dễ dàng.

Công nghệ và dữ liệu thuộc về lớp nền hay hạ tầng trong khung chuyển đổi số. Vì chuyển đổi số chắc chắn sẽ thành công hơn trong những tổ chức có hạ tầng công nghệ đồng bộ, ổn định, ít xuất hiện các “ốc đảo” sẽ giúp xây dựng một hạ tầng dữ liệu vừa mạnh, vừa sạch, được thu thập và sắp xếp một cách có hệ thống từ nhiều nguồn bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

Ông Tuấn cũng chỉ rõ, chỉ các doanh nghiệp quy mô lớn như các tập đoàn, các ngân hàng mới có đủ nguồn lực tài chính và nhân sự để xây dựng hạ tầng công nghệ và dữ liệu cho riêng mình; giải quyết bài toán chuyển đổi số cho quy mô hàng triệu khách hàng. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo ông Tuấn, nên sử dụng hạ tầng công nghệ dùng chung, cơ sở dữ liệu dùng chung do các đối tác công nghệ lớn phát triển và cung cấp các ứng dụng… Và hơn hết, ông Tuấn khuyến nghị, các cấp ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần có sự thay đổi tư duy để nhận thức đúng đắn rằng, chuyển đổi số không phải là một trào lưu thời thượng hay chỉ là 1 dự án công nghệ thông tin. Chuyển đổi số đang đòi hỏi sự “lột xác” toàn diện về cách mà một doanh nghiệp vận hành, thiết kế sản phẩm, mô hình kinh doanh, tương tác với khách hàng và các đối tác trong hệ sinh thái.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/chuyen-doi-so-thich-ung-voi-dai-dich-covid19-20210524173124306.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu