Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 17:32 (GMT +7)
Chuyển động thị trường bán lẻ -Thực hiện chiến lược bám sát thị trường
Thứ 3, 16/02/2021 | 07:16:00 [GMT +7] A A
Muốn chia phần “miếng bánh” hấp dẫn trong ngành bán lẻ, cả nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài phải nỗ lực bám sát khách hàng của mình để tìm chỗ đứng tại thị trường nội địa. Nhiều thương hiệu bán lẻ không ngừng vươn lên và góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam sôi động, người tiêu dùng ngày càng được hưởng lợi từ sự đa dạng tiện ích trong mua sắm.
Người tiêu dùng mua sắm thực phẩm chế biến sẵn tại cửa hàng thực phẩm Vissan, số 4 Lê Thị Hồng, Phường 17, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến ra vùng ven
Đánh giá về thị trường bán lẻ, các chuyên gia cho rằng, vùng ven hai thành phố lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đang là điểm đến ưa thích của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, nhà bán lẻ… khi muốn triển khai mô hình trung tâm thương mại. Điều này cho thấy, nhiều thay đổi về tầm nhìn của giới đầu tư, xu thế nhà ở, hành vi và thói quen mua sắm của cư dân.
Một xu hướng mới về phát triển trung tâm thương mại, bán lẻ cũng đã được định hình, khi “ngoại vi” trở thành trọng điểm thu hút đầu tư. Đồng thời, lý do dẫn đến xu hướng nhà đầu tư chuyển hướng ra vùng ven được cho là đến từ nguyên nhân quỹ đất nơi đây còn nhiều hơn, giá thuê phần nào rẻ hơn khu vực trung tâm.
Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, nhiều khu dân cư mới cũng mọc lên khá nhanh với tiêu chuẩn xây dựng hiện đại, thu hút tầng lớp trung lưu với sức mua mạnh chuyển đến sinh sống. Tại Tp. Hồ Chí Minh, yếu tố cần phải kể đến nữa là nhiều nhà đầu tư muốn đón đầu xu hướng phát triển dưới tác động của những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tiêu biểu như Metro.
Theo ông David Jackson, Giám đốc điều hành của Công ty Nghiên cứu thị trường và Tư vấn đầu tư bất động sản Colliers International Việt Nam, khoảng cách về sự đa dạng và chất lượng dịch vụ giữa vùng ven và trung tâm ở lĩnh vực bán lẻ sẽ được rút ngắn nhanh chóng. Giá sinh hoạt tương đối rẻ hơn, đường xá rộng rãi hơn và việc di chuyển vào trung tâm thuận lợi hơn khi Metro chính thức hoạt động sẽ thu hút ngày càng nhiều người tìm kiếm nơi sinh sống tại quận – huyện vùng ven.
Đây cũng là động lực khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ tiến ra khu vực vùng ven nhằm nhanh chóng tận dụng cơ hội. Hơn thế nữa, phát triển các trung tâm bán lẻ vùng ven, nhà đầu tư có ưu thế là phát triển sau, tham khảo được nhiều kinh nghiệm về chiến lược hay thiết kế.
Cụ thể, mô hình bán lẻ tích hợp nhiều tính năng như giải trí, ẩm thực, thể thao, vui chơi… dự báo sẽ là xu hướng chính trong tương lai gần, định hình việc phát triển bất động sản bán lẻ. Riêng quy mô của trung tâm thương mại vùng ven thường lớn hơn khoảng 2 – 3 lần so với trong trung tâm. Xét về phân khúc hàng cao cấp, hiệu suất các cửa hàng vùng ven nhìn chung vẫn không cao bằng những điểm mua sắm trong khu vực lõi trung tâm.
Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan vừa chính thức khai trương Cửa hàng thực phẩm Vissan tại số 4 Lê Thị Hồng, phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Cửa hàng thực phẩm Vissan là chuỗi cửa hàng tiện lợi, chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đại diện Vissan cho rằng, mở rộng kênh phân phối và phát triển sản phẩm mới cũng là chiến lược mà Vissan luôn ưu tiên hàng đầu trong suốt thời gian xây dựng và phát triển thương hiệu. Thời gian tới, cửa hàng thực phẩm Vissan sẽ tiếp tục được mở tại khu dân cư trên 24 địa bàn quận – huyện, nhất là khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp.
Về phía Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) vừa mới đưa vào hoạt động thêm điểm bán mới thứ 4 là siêu thị Finelife Supermarket Urban Hill tại địa chỉ 51A đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh với diện tích hơn 2.000 m2.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, chiến lược của doanh nghiệp là hiện thực hóa phương châm “Bringing the Fine Life closer to you” – mang cuộc sống tốt đẹp đến gần hơn và Finelife là mô hình bán lẻ hiện đại sẽ được ưu tiên mở tại những vị trí đắc địa cao cấp.
“Finelife là hệ thống siêu thị cao cấp đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ E-label điều chỉnh tự động và Finelife Supermarket Urban Hill. Đây cũng là siêu thị đầu tiên có quầy tính tiền cho khách tự thanh toán giống như ở một số siêu thị hàng đầu thế giới. Tùy theo địa điểm, Finelife sẽ triển khai một trong 3 mô hình là cửa hàng – Finelife Corner với trung bình 400 m2, cửa hàng thực phẩm – Finelife Food Store với trung bình 1.000 m2 và siêu thị – Finelife Supermarket với trung bình hơn 2.000 m2”, ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm.
Vượt “sóng gió” thị trường
Nhìn lại năm 2020 vừa qua và những tháng đầu năm 2021, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang bị tác động lớn từ tâm lý lo ngại dịch bệnh. Thu nhập người dân cũng chịu ảnh hưởng nên nhu cầu mua sắm tiêu dùng có xu hướng giảm và thay đổi thói quen tiêu dùng so với thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Mặt khác, đại dịch COVID-19 cũng tác động trực tiếp và làm gián đoạn hoạt động thương mại, dịch vụ quốc tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế trên thế giới. Một số ngành chịu tác động trực tiếp và trên diện rộng toàn cầu như du lịch, lưu trú, ăn uống, xuất khẩu…
Trước bối cảnh đó, nhiều sở, ngành TP Hồ Chí Minh đã đồng hành cùng doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo mục tiêu duy trì thành quả phòng chống đại dịch COVID-19, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian qua. Diễn biến giá cả thị trường nhiều mặt hàng thiết yếu được đảm bảo ổn định, không xảy ra tình trạng sốt hàng, khan hàng.
Thống kê tại TP Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2020 đạt 1.224.705 tỷ đồng, giảm 1,3% so với năm trước. Còn tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố năm 2020 tăng 0,83% so với năm 2019; trong đó xuất khẩu tăng 3,1% và nhập khẩu giảm 1,1%.
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cho rằng, tuy các điểm kinh doanh phục vụ khách du lịch giảm 80% so với thời điểm bình thường nhưng nước mắm là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, không bán được tại địa phương thì có thể phân phối, bán lẻ, xuất khẩu… đến nhiều thị trường khác.
“Nước mắm là nghề truyền thống nên trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp kỳ vọng duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo đời sống người lao động. Bản thân doanh nghiệp luôn phải sẵn sàng tâm lý đối mặt với khủng hoảng. Bước sang năm 2021, doanh nghiệp ngành nước mắm sẽ quyết tâm hơn trong việc đưa ra sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng và giữ vững thị phần”, bà Hồ Kim Liên chia sẻ.
Về phía Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tổng giám đốc Lê Trí Thông cho hay, trang sức là ngành hàng không thiết yếu nên gặp khó khăn nhiều trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, PNJ vừa thực hiện chiến lược phòng thủ về tài chính, vừa phải kịp thời linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, PNJ đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệp và hướng đến từng khu vực thị trường, nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu. PNJ thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tối ưu lại mặt hàng, marketing… và nhất là bám sát thị trường để có những giải pháp ứng phó kịp thời.
Ngoài ra, sau thời gian “đỡ đầu” cho nhóm Start-Up khởi nghiệp thì PNJ đã tham gia hợp tác mở dịch vụ mới là “cầm đồ”. Với hợp tác phát triển dịch vụ này, nhóm Start-Up khởi nghiệp có thể tiếp cận khách hàng của PNJ, tạo điều kiện tìm hiểu về chuyên ngành và thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong lĩnh vực trang sức. PNJ tăng tiện ích cho khách hàng và đáp ứng nhu cầu có thực của khách hàng với sản phẩm, dịch vụ chuyên nghiệp, uy tín và an toàn hơn.
Ở lĩnh vực doanh nghiệp sản xuất, đại diện Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh nhận định, năm 2021 vô cùng thách thức với hầu hết doanh nghiệp trong mọi ngành nghề, lĩnh vực. Để thành công thì một trong những giải pháp chiến lược là doanh nghiệp cần khảo sát thị trường, cập nhật thông tin nhu cầu khách hàng…
Đại dịch COVID-19 đã hình thành nhiều xu hướng mới trên thị trường tiêu dùng đòi hỏi nhà bán lẻ phải chủ động phân cấp thị trường và phân loại khách hàng để phát triển những mô hình bán lẻ phù hợp. Cùng với đó, doanh nghiệp phải sẵn sàng các biện pháp bảo vệ người lao động và siết chặt quy định đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, doanh nghiệp bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa triển khai hiệu quả quy định phòng chống đại dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững và tăng trưởng.
https://baotintuc.vn/kinh-te/chuyen-dong-thi-truong-ban-le-bai-cuoi-thuc-hien-chien-luoc-bam-sat-thi-truong-20210214152048912.htm
Ý kiến ()