Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 03:47 (GMT +7)
Chuyên gia ‘hiến kế’ quản lý chất thải rắn ở Việt Nam
Thứ 6, 27/09/2019 | 09:07:00 [GMT +7] A A
Ngày 26/9, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các chuyên gia cho dự thảo Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn ở Việt Nam.
Rác thải chất đống tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN
Lượng chất thải rắn đã và đang gia tăng về cả số lượng, thành phần và tính chất, gây áp lực rất lớn đến môi trường. Theo ước tính của các chuyên gia, hiện nay trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng 10-16%/năm.
Theo Tổng cục Môi trường, công tác quản lý chất thải rắn còn nhiều bất cập, chồng chéo, đang phát sinh một số khu vực, điểm nóng ô nhiễm môi trường, công nghệ xử lý lạc hậu. Để quản lý theo đúng quy chuẩn, áp dụng được công nghệ tiên tiến, nâng cao ý thức người dân, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn và các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần có cơ chế để tháo gỡ 3 điểm yếu ở địa phương hiện nay là năng lực quản lý, công nghệ và tài chính; có quy định đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu đầu tư xây dựng dự án xử lý chất thải rắn. Trong quá trình xây dựng đề án cũng cần tiếp cận với các khía cạnh của nền kinh tế tuần hoàn, biến đổi khí hậu.
Giáo sư Lê Hữu Bách, Trường Đại học Xây dựng kiến nghị phải có biện pháp, cơ chế áp đặt để xây dựng hệ thống đồng bộ dự án điểm, bao gồm tổ chức phân loại, thu gom, xử lý, tái chế rác thải rắn, tạo được sản phẩm bán ra thị trường và duy trì được hệ thống này.
Chuyên gia tư vấn độc lập đến từ Nhật Bản, ông Wanda chia sẻ, nên có kênh tư vấn riêng để các địa phương có thể tham vấn trực tiếp từ trung ương về các vấn đề chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải… Tổng cục Môi trường cũng cần tăng cường năng lực cho cán bộ bằng cách nắm bắt thông tin thực tế ở địa phương.
Ông Wanda đưa ra ví dụ rất cụ thể ở Cần Thơ, nhà máy đốt rác phát điện có tỷ lệ tro xỉ cao. Nếu cơ quan quản lý có dự án khảo sát, phân tích về hiện trạng này, đưa ra các biện pháp giảm tỷ lệ tro xỉ và tư vấn cho địa phương, các cán bộ sẽ tiếp nhận thêm rất nhiều kiến thức về xây dựng mô hình phân loại rác thải rắn tại nguồn có hiệu quả, đặc biệt là phân loại để phù hợp với công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng.
Về công nghệ xử lý, ông Wanda gợi ý tập trung vào công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng mà không nhất thiết phải phân loại tại nguồn cũng áp dụng được. Quy trình sơ chế rác thải trước khi đưa vào lò đốt, mục tiêu quan trọng là giảm độ ẩm trong chất thải để giảm thiểu năng lượng cần khi đốt. Đặc tính của chất thải ở Việt Nam là nhiệt trị trung bình khoảng 1.200kcal/kilo gram với độ ẩm 60% thì chỉ cần sử dụng công nghệ ép có thể giảm độ ẩm xuống còn 40% và tăng nhiệt trị lên 1.500kcal/kilo gram.
Ý kiến ()