Thứ Năm, 23/01/2025 04:59 (GMT +7)

Chuyên gia kinh tế: Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là dịp để cơ cấu lại mô hình tăng trưởng

Thứ 4, 29/05/2019 | 15:20:00 [GMT +7] A  A

Việc cả Mỹ và Trung Quốc đều nâng thuế áp lên hàng hóa của nhau đẩy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lên một ngưỡng mới, có nguy cơ gây ra những xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu và dấy lên sự lo ngại về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ đi về đâu, những tác động của cuộc chiến này tới kinh tế toàn cầu cũng như ảnh hưởng gì đến kinh tế Việt Nam?… đang là những câu hỏi được dư luận quan tâm? Để trao đổi rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR).

Ông có thể đánh giá khái quát về những căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trong thời gian qua?

Tình hình đang diễn ra hết sức bất ngờ. Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đột nhiên leo thang căng thẳng vào ngày 10/5, bắt đầu bằng việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa của Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả đòn thuế này vào ngày 13/5. Tiếp theo, Tổng thống Donald Trump cũng như Bộ Thương mại Mỹ đưa ra một trừng phạt kép với Công ty Huawei. Đây là những diễn biến khá bất ngờ bởi trước đó hai bên đã tiến hành 11 vòng đàm phán với nhiều tiến triển lạc quan.

Sản xuất hàng sợi – may xuất khẩu của Công ty Cổ phẩn Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Chúng tôi cho rằng có hai điểm đáng lo ngại khi nhìn về tổng thể xu hướng phát triển của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Điểm thứ nhất, hai bên đều áp dụng chiến thuật “ăn miếng trả miếng” rất rõ ràng và điều này thường chỉ kết thúc khi một bên chấp nhận dừng việc làm này lại, nhưng chủ nghĩa dân tộc cứng rắn ở cả hai nước đều đang cản trở hành động như vậy. Điểm thứ hai đáng lo ngại là bất cứ khi nào một lời đe dọa được đưa ra, nó đều được thực hiện và việc này cho thấy dường như cả hai không có ý định nhượng bộ cũng như đi đến một thỏa thuận dài hạn.

Theo ông, đâu là cản trở lớn nhất trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung khiến các cuộc đàm phán chưa được tiến triển?

Theo tôi, ở thời điểm hiện tại có nhiều nguyên nhân cản trở đến đàm phán hai bên. Trong đó có cả nguyên nhân về mục đích đàm phán cũng như những khúc mắc về nội dung mà hai bên không thể tháo gỡ ở thời điểm hiện nay. Về mục đích đàm phán, Mỹ muốn Trung Quốc phải thay đổi mô hình kinh tế, thay đổi cách chơi, điều này phải được luật hóa và thông qua bởi Quốc hội Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc muốn giảm thâm hụt thương mại với Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ và nới lỏng chính sách hơn cho doanh nghiệp của Mỹ.

Từ sự khác biệt về mục đích, nội dung đàm phán cũng có điểm khúc mắc giữa hai bên. Tại vòng đàm phán thứ 11, Trung Quốc đã đưa Mỹ một dự thảo – thỏa thuận mới đã bị cắt giảm 50 trang so với trước. Điều này thể hiện sự không hài lòng của Trung Quốc với các nội dung Mỹ nêu.

Chính vì những vấn đề mang tính mục đích và kỹ thuật như vậy đã cản trở hai bên đi đến một thỏa thuận thương mại. Trong khi, đối với cả hai bên, đều coi những nội dung đưa ra là những lợi ích cốt lõi nên các cuộc đàm phán chưa tiến triển nhiều. Tuy nhiên, tôi không loại trừ việc cả hai bên không thực sự muốn có một thoả thuận lâu dài.

Việc đàm phán thương mại Mỹ – Trung không có tiến triển gì và nguy cơ cuộc chiến tranh thương mại rơi vào vòng xoáy mới sẽ tác động như thế nào tới thương mại toàn cầu, nhất là những tác động đến đà suy giảm của kinh tế thế giới?

Rõ ràng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại toàn cầu suy giảm nhất định. Các tổ chức quốc tế mới đây đều hạ dự báo tăng trưởng năm 2019. Điều lo ngại khác là sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ -Trung làm môi trường kinh doanh, đầu tư và thương mại toàn cầu xấu đi đáng kể. Ngoài ra, việc Mỹ và Trung Quốc áp đặt các điều kiện khiến chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Điều này khiến việc lưu thông hàng hóa hoặc chuỗi sản xuất toàn cầu khó khăn hơn so với trước.

Nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khi Việt Nam trở thành một địa điểm được ưa thích của các nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc do giá nhân công tăng cao và nguy cơ hàng Trung Quốc bị đánh thuế. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Tôi cho rằng trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam, cả tăng trưởng GDP và thương mại sẽ được hưởng lợi nhất định từ cuộc chiến thương mại này. Những nghiên cứu định lượng về tác động của cuộc chiến thương mại đến tăng trưởng thương mại của Việt Nam cho thấy, Việt Nam đang nằm trong nhóm được hưởng lợi cao nhất từ việc thay thế hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng như hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Đóng góp cho tăng trưởng thương mại của Việt Nam có thể lên đến 2,1 điểm phần trăm và đây là mức cao nhất trong số các quốc gia nhận tác động tích cực từ cuộc chiến thương mại này.

Tuy nhiên về dài hạn, tôi cho rằng có một số khó khăn liên quan đến thực tiễn kinh tế lẫn chính sách mà Việt Nam sẽ phải đối diện.

Đầu tiên, với tư cách là nền kinh tế xuất khẩu nhiều hàng hóa đầu vào cho xuất khẩu của Trung Quốc, các hàng hóa này từ Trung Quốc khó xuất khẩu sang Mỹ hơn sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam. Số liệu thương mại của Việt Nam tính đến hết tháng 4/2019 đã thể hiện điều này.

Thứ hai, hàng hóa Trung Quốc khi không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ có nhu cầu tìm một thị trường thay thế. Điều này sẽ tạo sức ép lớn lên hàng hóa trong nước của Việt Nam.

Thứ ba, việc Trung Quốc áp dụng những tiêu chuẩn mới về hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu từ bên ngoài, tạo tác động tiêu cực, làm suy giảm đáng kể xuất khẩu hàng của Việt Nam nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng cũng như kỹ thuật.

Thứ tư, đợt mất giá mới của đồng Nhân dân tệ sẽ tạo một sức ép không nhỏ lên sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam sang một thị trường thứ ba và sang chính thị trường Trung Quốc.

Thứ năm, làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ rời khỏi nước này khi mà các mức thuế cao hơn áp lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Việc này sẽ đặt ra những khó khăn về quản lý cho Việt Nam, liên quan đến việc giữ vững quy hoạch ngành, đảm bảo tiêu chuẩn về đầu tư và đặc biệt về môi trường cũng như công nghệ.

Theo ông, Việt Nam cần có đối sách gì để tránh nhưng ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện này?

Đây là một dịp tốt để Việt Nam đánh giá lại mô hình tăng trưởng của mình cũng như tiến hành tái cơ cấu mô hình tăng trưởng.

Trong cuộc chiến tranh thương mại này, rõ ràng các vấn đề tiêu chuẩn mới trong giai đoạn tới sẽ được xem xét lại. Thời gian tới, các hàng rào kỹ thuật sẽ được dựng lên, đây sẽ là dịp quan trọng để Việt Nam đánh giá lại cơ cấu xuất khẩu hàng hóa để tận dụng tốt hơn thị trường Trung Quốc.

Về mặt đầu tư, Việt Nam cần phối hợp ăn ý giữa các bộ ngành và địa phương để đảm bảo các luồng vốn FDI vào trong nước vừa phục vụ lợi ích của địa phương song không phá vỡ quy hoạch tổng thể của quốc gia, đặc biệt chú ý đến các vấn đề liên quan đến công nghệ và môi trường.

Cảm ơn ông!

Theo Quốc Huy (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu