Thứ Hai, 13/01/2025 12:33 (GMT +7)

Có điểm gì bất thường đằng sau con số nợ thuế 75.000 tỷ đồng?

Thứ 6, 08/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tổng nợ đọng thuế vẫn duy trì ở ngưỡng 75.000 tỷ đồng nhưng không ít địa phương có số nợ thuế tăng trên 20% so với cuối năm ngoái. So với dự toán thu ngân sách, nhiều tỉnh, thành phố cũng đang để tình trạng nợ đọng thuế chiếm tới hơn 20% tổng thu.

Nợ thuế chiếm gần một nửa dự toán thu

Đó chỉ là một vài vấn đề được coi là “bất bình thường” vừa được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn lên tiếng trong hội nghị sơ kết 6 tháng ngành thuế tổ chức sáng 8/7.

Đánh giá công tác thu hồi nợ đọng có kết quả ban đầu nhưng Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ ra thực tế, khoản nợ vẫn duy trì ở ngưỡng 75.000-76.000 tỷ đồng. Nếu so với dự toán thu năm nay của ngân sách Nhà nước là hơn 1 triệu tỷ đồng, Thứ trưởng tính toán, tỷ lệ nợ đọng thuế đang chiếm khoảng 7,5% dự toán.

Ông Tuấn đặt ra câu hỏi: Nợ đọng thuế ở mức độ nào là hợp lý và có thể chấp nhận được? Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này ở mức khoảng 5% thu ngân sách bởi vậy so với kết quả hiện tại của Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, vấn đề cần xử lý là làm sao không để gia tăng giai đoạn hiện nay.

Lãnh đạo Bộ Tài chính thẳng thắn: “Phải coi cục thuế nào nợ thuế cao hơn 7,5% dự toán là bất bình thường, nợ thuế tăng trên 20% so với cuối năm 2015 là bất bình thường.”

Ông cũng không ngại nói thẳng tên một số địa phương thuộc diện “bất thường” có tổng nợ đọng tới hiện tại tăng hơn 30% so với cuối năm 2015 như: An Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đà Nẵng,… Những cục thuế trong diện này theo ông có khoảng 19 đơn vị.

Cũng theo tính toán của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện có 9 cục thuế có số nợ đọng thuế chiếm hơn 20% nhiệm vụ thu ngân sách năm nay như: Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Điện Biên,… Thậm chí với riêng Thái Bình, tỷ lệ nợ thuế đã chiếm gần một nửa (45%) dự toán thu ngân sách.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu lên nghi vấn, liệu những cục thuế này có thể giảm tỷ lệ nợ thuế còn 7,5% tổng thu được không.

“Đề nghị 6 tháng tới thực hiện giúp cho kiểm tra nội bộ, thanh kiểm tra việc nợ thuế của các cục thuế coi là bất bình thường, làm sao để kéo về mức bình thường,” Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Đủ chiêu lách nợ thuế

Nói thêm về nguyên nhân nợ đọng, Thứ trưởng Bộ Tài chính tỏ ý đồng tình với một số ý kiến lãnh đạo các cục thuế như Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khoản nợ đọng hiện tại một phần do giai đoạn những năm 2007-2008 và năm 2012, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bắt buộc phải chậm nộp thuế.

Với Cục trưởng Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh Đinh Nho Hậu, nguyên nhân nợ thuế theo ông còn do tình trạng cưỡng chế thuế gặp khó. Nhiều doanh nghiệp theo phản ánh của ông đã mở tài khoản tại nhiều ngân hàng trong đó bao gồm cả ngân hàng ở các tỉnh khác nhau để tránh việc bị soi dòng tiền.

Đây là vấn đề được ông đề xuất Tổng cục Thuế làm việc, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đơn vị thông báo ngay với cơ quan thuế mỗi khi doanh nghiệp mở một tài khoản mới bất kỳ tại ngân hàng.

Cũng về nợ thuế nhưng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục thuế thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh cảnh báo tình trạng, trong thời gian qua, chỉ riêng tại Hà Nội, cơ quan thuế đã có 17 trường hợp phải chuyển cơ quan công an vì những đối tượng này đang chịu cưỡng chế nợ thuế nhưng vẫn tiếp tục thành lập pháp nhân mới. Bởi vậy, một giải pháp được ông nêu lên là phối hợp với ngành công an để theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp.

Góp ý khác, ông Mạnh cho rằng, cơ quan chức năng nên tập trung vào những khoản nợ dưới 90 ngày. Đây là khoản nợ thuế theo ông là “tương đối lớn và có khả năng thu được, ngược lại, những khoản nợ trên 90 ngày thường không có dngf tiền và tỷ lệ thu thấp.

Cụ thể hơn, ông cho rằng, các đơn vị có thể phân loại kỹ hơn như khoản nợ từ 1-30 ngày, nợ từ 30-60 ngày và những khoản có khả năng thu trên cơ sở từng doanh nghiệp để khi có phát sinh nợ là đôn đốc thực hiện thu hồi ngay.

Dựa trên những phân tích tình hình, công việc cụ thể theo lãnh đạo ngành thuế phải phân công việc chi tiết tới chi cục, phòng, nhóm để thực hiện đôn đốc.

Đồng tình với giải pháp này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đề nghị ngành thuế có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phối hợp để nghiên cứu cụ thể từng khoản nợ và công việc phải làm.

Theo ông, cơ quan chức năng phải chỉ ra từng địa chỉ cụ thể, những ai phải làm gì, bao giờ xong và định kỳ có báo cáo giám sát./.

Xuân Dũng (Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu