Tất cả chuyên mục

Với lòng yêu nghề, mến trẻ, những năm qua cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng, giáo viên Trường Mẫu giáo xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức không chỉ gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ nuôi dạy trẻ, mà còn có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm thiết thực áp dụng hiệu quả vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; góp phần giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn khi được phát triển một cách toàn diện.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thúy Hằng bắt đầu công việc của một giáo viên mầm non tại Trường Mẫu giáo xã Phước Lợi; đến năm 2015 cô được luân chuyển về Trường mẫu giáo Nhựt Chánh, xã Nhựt Chánh. Với quyết tâm kiên định đến với nghề, cô Hằng miệt mài trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề và không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp. Với cô, ngoài kiến thức giáo viên mầm non phải chịu khó, nhẫn nại, khéo léo chăm sóc, giáo dục trẻ. Cô còn áp dụng phương pháp dạy học linh hoạt theo hướng “lấy học sinh làm trung tâm” để các bé phát huy tính tự lập, tư duy sáng tạo.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng chia sẻ: Đối với tôi, phẩm chất quan trọng nhất của một nhà giáo là lòng yêu nghề. Dù công việc áp lực, mệt mỏi đến đâu nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười của các con, chứng kiến chúng ăn ngon lành một suất ăn trưa hay thỏ thẻ chạy đến nhờ cô Hằng buộc lại tóc cho cũng đủ hạnh phúc.
Không chỉ khéo trong nuôi dạy trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng còn là giáo viên gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động và luôn dành niềm say mê đặc biệt với nghiên cứu, sáng tạo. Từ thực tế cuộc sống hàng ngày, cô đã tìm tòi tự làm các mô hình phục vụ cho hoạt động học tập, trải nghiệm của học sinh trong nhà trường. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến các sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp huyện: “Một số biện pháp phát triển tính thẩm mĩ cho trẻ”, “Một số biện pháp phát triển kỹ năng sống cho trẻ”,… được cô áp dụng đúng với nội dung và chủ đề từng tiết học. Để làm được điều này, cô đã tận dụng những đồ phế liệu như: vỏ chai nước, đĩa CD, giấy báo, bìa các-tông… để tạo nên những món đồ chơi đẹp mắt, lại tiết kiệm chi phí và giúp cho các em có ý thức bảo vệ môi trường; đồng thời, tạo được sự hứng thú, kích thích tính sáng tạo ở trẻ.
“Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, cô Thúy Hằng cùng giáo viên của trường tìm tòi, sáng tạo đồ dùng dạy học, đồ chơi cho học sinh; tư vấn cho giáo viên cách sắp xếp đồ dùng dạy học, trang trí lớp phù hợp theo từng chủ đề. Các phong trào thi đua: “Hai tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… , tạo khí thế thi đua sôi nổi, mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác dạy và học của nhà trường” – bà Lê Thị Ngọc Trang, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Nhựt Chánh, huyện Bến Lức cho biết.
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng cùng với sự tận tâm với nghề, Cô Thúy Hằng xứng đáng là tấm gương sáng về lòng yêu nghề, mến trẻ, một giáo viên gương mẫu điển hình trong bậc học mầm non của huyện Bến Lức. Nhiều năm liền, cô được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng các danh hiệu: Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Chiến sĩ thi đua cơ sở và vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen./.
Việt Hằng
Ý kiến ()