Chủ Nhật, 19/01/2025 13:19 (GMT +7)

Con gà trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái

Thứ 4, 25/01/2017 | 15:32:00 [GMT +7] A  A

Trong các nghi lễ, phong tục của đồng bào Thái không thể thiếu con gà. Con gà có ý nghĩa như thế nào trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái?

Từ xa xưa, cuộc sống của đồng bào Tháí đã gắn liền với nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi gà, một loại gia cầm dễ nuôi và rất gần gũi với con người. Trong các nghi lễ, phong tục của đồng bào Thái có lẽ cũng vì thế mà không thể thiếu con gà. Vậy con gà có ý nghĩa như thế nào trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái?

con ga trong doi song tam linh cua dong bao thai hinh 1
Con gà không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Thái.

Đối với đồng bào Thái, chăn nuôi gia cầm hết sức quan trọng trong gia đình, nhà nào không có con gà lọt gầm sàn tức là người phụ nữ trong gia đình không đảm đang. Trong các dịp lễ, Tết, hiếu, hỷ của bản mường, con gà không thể thiếu. Như làm lễ thôi nôi (tam nhá phay, nhá bườn) cho trẻ nhỏ cần một con gà trống, mái tuỳ gia chủ, thịt xong luộc chín làm lễ; Tục gọi vía, (Khé khuôn cáy), lễ cầu may (tam nẳng chan) cần đến một đôi gà trống, mái, bà con cũng thịt, luộc chín để làm lễ. Xên hươn (cúng ma nhà), xên bản, xên mường (Cúng bản, cúng mường) dù có mổ lợn, mổ trâu vẫn phải có con gà luộc chín để cúng. Đặc biệt trong việc ăn hỏi, cưới xin của đồng bào Thái không thể thiếu con gà, từ khi làm lễ ăn hỏi cho đến khi xin dâu về đều phải có con gà.

Bà Quàng Thị Liêm ở Bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La cho biết: “Ngày tổ chức cưới bên nhà gái, nhà trai phải có đôi gà đến để tổ chức lễ thành hôn cho 2 con. Trong mâm cơm phải có đĩa thịt gà, rồi con gà để cúng tổ tiên, không thể thiếu con gà” .

Mỗi nơi đều có tục lệ riêng nhưng đều sử dụng đến con gà. Như bà con ở vùng Mộc Châu, Sơn La, nhà trai mang đôi gà đến nhà gái để xin dâu và phải có một con để thờ thổ công, thổ địa trước khi đón dâu. Ông Lường Văn Hoạt ở Bản Nà Bó 1, xã Mường Sang huyện Mộc Châu cho biết thêm: “Trong đám cưới của người Thái không thể thiếu con gà, ít nhất là phải có đôi gà, không thì 2, 3 đôi, có nơi thì dành 1 con để thờ thổ công, thổ địa và khi con gái đi nhà chồng cũng phải có đôi gà đến xin”.

Khi người con gái xây dựng gia đình ra ở riêng, gia đình họ hàng bên ngoại sẽ góp nhau con gà cho con, cháu về làm giống chăn nuôi, người có thì cho một đôi, người ít thì cho một con. Làm nhà mới xong, gia đình bên ngoại cử người có uy tín, mát tay trong việc chăn nuôi đóng bốn cọc nơi định dựng chuồng gà để làm chuồng gà cho con cháu, với mong muốn đàn gà sẽ sinh sôi đầy đàn. Đặc biệt khi có anh em họ hàng bên ngoại như bố, anh, em trai bên vợ sang thăm, người ta đặt đĩa đầu, cẳng, chân gà và 2 chén rượu trước mặt và lúc nào cũng được ngồi mâm trên thể hiện lòng tôn kính đối với gia đình bên vợ.

Ông Cầm Danh ở bản Cá, phường Chiềng An, thanh phố Sơn La, người am hiểu về văn hoá Thái cho biết: “Từ xa xưa, con gà là loại gia cầm gần gũi nhất với con người, người ta chăn nuôi gà là chủ yếu. Vì thế khi người nhà vợ đến thăm, bà con thường thịt gà tiếp đón, mong cho con cháu có cuộc sống sung túc, sinh sôi này nở như đàn gà. Nếu không có thịt gà thì phải có trứng gà tráng hoặc luộc đặt trong mâm cơm. Dù có thịt lợn vẫn phải có đĩa đầu, cẳng và chân gà đặt trong mâm tiếp đón người nhà bên vợ”.

Gà có ý nghĩa như vậy nên không khó hiểu khi đồng bào Thái luôn coi trọng con gà trong đời sống tâm linh của mình. Và hình ảnh con gà cũng tô thêm bức tranh phong phú về cuộc sống thường nhật của đồng bào./.

VOV-VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu