Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 19:22 (GMT +7)
‘Cơn sốt’ sở hữu siêu máy bay thân rộng Boeing 787 Dreamlines của các hãng hàng không
Thứ 6, 03/01/2020 | 10:17:00 [GMT +7] A A
Đón đầu thị trường hàng không năm 2020 trong bối cảnh “mở cửa bầu trời” khai thác, hàng loạt các hãng hàng không nội địa đã và đang tăng tốc đầu tư vốn để sở hữu “siêu máy bay” hiện đại bậc nhất thế giới, đáp ứng các đường bay cả trong và ngoài nước.
Ngày 22/12/2019 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hãng hàng không mới “1 năm tuổi” Bamboo Airways đã tiếp nhận chiếc máy bay thân rộng Boeing 787 – 9 Dreamliner đầu tiên đúng 10 tháng sau khi Tập đoàn FLC ký kết hợp đồng mua 10 máy bay 787 – 9 Dreamlines vào tháng 2/2019 của Tập đoàn Boeing Hoa Kỳ. Siêu máy bay đầu tiên này của Bamboo Airways nằm trong mục tiêu sở hữu tới 30 chiếc, với tổng giá trị 8,6 tỷ USD trong tương lai.
Chiếc Boeing 787-9 Dreamlines đầu tiên của Bamboo Airways về tới sân bay Nội Bài ngày 22/12/2019.
Từ ngày 1/1, Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways bắt đầu khai thác hàng ngày trên đường bay trục Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, với với tần suất 6 chuyến/ngày. Dự kiến, đến trung tuần tháng 1/2020, Bamboo Airways sẽ đón chiếc Boeing 787-9 Dreamliner thứ 2 gia nhập đội bay, phục vụ giai đoạn cao điểm Tết trên 2 trục bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và Hà Nội – Phú Quốc.
Trước đó, từ tháng 7/2015, Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam khai thác “siêu máy bay” Boeing 787-9 Dreamliner. Đến tháng 8/2019, Vietnam Airlines đã nhận chiếc Boeing 787-10 đầu tiên và hiện đang khai thác 3 “siêu máy bay” Boeing 787-10. Năm 2020 này, hãng hàng không quốc gia sẽ nhận thêm 3 máy bay Boeing 787-10 và tiến tới hoàn thiện đội bay thân rộng 19 chiếc dòng Boeing 787.
Hiện tại, Vietnam Airrlines đang sở hữu 28 máy bay thân rộng và trở thành một trong số ít hãng trên thế giới, cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương có đội bay “siêu hiện đại” bậc nhất.
Hãng hàng không Vinpearl Air nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gia nhập thị trường hàng không và cất cánh khai thác thương mại từ tháng 7/2020 cũng đã “rục rịch” thành lập đội máy bay, gồm 12 chiếc thân hẹp dòng Airbus và 6 chiếc thân rộng dòng Boeing…
Ở góc độ thương mại, việc các hãng hàng không nội địa liên tục mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu USD để sở hữu máy bay thân rộng vào khai thác, nhằm chuẩn bị đón đầu cho kế hoạch bay thẳng tới Mỹ mà các hãng đang “ấp ủ”.
Cụ thể, đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng vừa chính thức được Bộ GTVT Mỹ cấp phép mở rộng hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều với hãng hàng không Delta Air Lines. Từ năm 2010, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác liên danh linh hoạt một chiều với Delta Air Lines trên 10 đường bay đến/đi từ Mỹ và 10 đường bay nội địa Mỹ. Việc này một lần nữa khẳng định năng lực đảm bảo an toàn khai thác, kỹ thuật và chất lượng dịch vụ hãng trong việc hiện thực hóa đường bay đến Mỹ trong tương lai.
Trong khi đó, Bamboo Airways cũng dự kiến đến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 sẽ bay thẳng tới Mỹ. Việc nhận máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên trong tháng 12/2019 là một trong những bước chuẩn bị cho kế hoạch này.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, nếu bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ phải đạt tiêu chuẩn bay 2 động cơ vượt đại dương, tối thiểu ETOPS 180 phút. ETOPS là điều luật của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cho phép máy bay thương mại 2 động cơ được bay kéo dài thêm một khoảng thời gian bay nữa trong trường hợp một động cơ bị hỏng, khoảng thời gian này không cần phải đủ để bay qua biển hay xuyên đại dương, mà là thời gian bay với một động cơ giữa các sân bay trung chuyển. Hiện tại, trong 5 hãng hàng không nội địa, mới có Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn này, tiếp đến là Bamboo Airways.
https://baotintuc.vn/kinh-te/con-sot-so-huu-sieu-may-bay-than-rong-boeing-787-dreamlines-cua-cac-hang-hang-khong-20200102162109573.htm
Ý kiến ()