Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 22:59 (GMT +7)
Cộng đồng quốc tế tiếp tục chỉ trích vụ thử bom H của Triều Tiên
Thứ 6, 08/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Bộ Ngoại giao các nước Anh, Thái Lan, Trung Quốc tiếp tục lên án vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên hôm 6/1.
Biểu đồ mô tả rung chấn của động đất gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên, tại nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc ngày 6/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tiếp tục dư luận quốc tế chỉ trích vụ thử hạt nhân mới đây nhất của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Anh ngày 7/1 thông báo nước này đã triệu Đại sứ Triều Tiên ở London tới sau vụ Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch (bom H) hôm 6/1.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách vấn đề châu Á, ông Hugo Swire cho biết đã triệu Đại sứ Triều Tiên ngày 7/1 để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ của London đối với vụ thử bom H của Bình Nhưỡng.
Ông Swire cho biết thêm Anh ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên và gọi vụ thử bom của Bình Nhưỡng “là hành động vi phạm rõ ràng” các nghị quyết của LHQ.
Bộ Ngoại giao Thái Lan ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, nhấn mạnh hành động này của Bình Nhưỡng “không chỉ vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà còn làm xói mòn những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên”.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Chính phủ Australia cùng ngày đã “cực lực lên án” vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, coi đây là hành động làm tổn hại nghiêm trọng các chuẩn mực quốc tế về không phổ biến hạt nhân, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Chính phủ Australia cho rằng việc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như phổ biến những công nghệ nhạy cảm đe dọa hòa bình và an ninh của bạn bè và đối tác của Australia trong và ngoài khu vực. Australia sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende coi vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là “mối đe doạ nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu và cần bị lên án mạnh mẽ”. Cộng hoà Séc cho rằng đây là hành động “đáng tiếc và vô trách nhiệm”, đe doạ ổn định và hoà bình không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà còn toàn bộ khu vực.
Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva cũng lên án vụ thử, bày tỏ hy vọng HĐBA LHQ sẽ đưa ra các biện pháp ngăn chặn các động thái như vậy. Trong khi đó, Belarus hối thúc Triều Tiên đảm bảo thực thi các nghị quyết của HĐBA LHQ và tránh các hành động có thể làm leo thang căng thẳng.
Tại cuộc họp báo ngày 7/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết nước này đã triệu một quan chức ngoại giao cấp cao của Triều Tiên đến để giải thích chi tiết lập trường của Bắc Kinh về vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo người phát ngôn trên, Trung Quốc quan ngại về diễn biến tình hình do vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời cho rằng hành động này của Triều Tiên “không có lợi cho sự phát triển bình thường của quan hệ song phương” giữa hai nước. Trước đó, bà Hoa Xuân Oánh ngày 6/1 đã tuyên bố Trung Quốc “kiên quyết phản đối” vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng “tôn trọng cam kết phi hạt nhân hóa và dừng bất cứ hành động nào có thể làm tình hình xấu đi”.
Cùng ngày, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Văn phòng Tổng thống nước này cho biết Tổng thống Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 7/1 đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để Liên hợp quốc có thể nhanh chóng thông qua một nghị quyết về các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chống Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã tiến hành một vụ thử hạt nhân.
Cơ quan này được dẫn lời cho biết trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo trên đã nhất trí rằng Hàn Quốc và Nhật Bản cần hợp tác với Mỹ, Trung Quốc và Nga trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đây là 5 nước cùng với Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng lâu nay vẫn bị gác lại. Các cuộc đàm phán sáu bên được tổ chức lần gần đây nhất là vào năm 2008.
Ý kiến ()