Theo đó, ICIJ tiết lộ tên và thông tin về 200.000 công ty ở nước ngoài do giới nhà giàu thiết lập, được nêu trong Hồ sơ Panama.
Khi truy cập vào địa chỉ offshoreleaks.icij.org, người dùng sẽ phải chấp nhận một thỏa thuận với ICIJ trước khi có thể tìm kiếm các thông tin liên quan của vụ bê bối này. Chức năng tìm kiếm được chia thành 2 loại, theo quốc gia và theo những nơi có thể thành lập công ty tránh thuế.
Tính đến sáng 10/5, khi tìm kiếm thông tin trong Hồ sơ Panama theo tên quốc gia là Việt Nam, trang web này cung cấp danh sách liên quan bao gồm 189 cá nhân, tổ chức, 23 công ty trung gian và 19 công ty nước ngoài.
Với mỗi cá nhân, hay công ty, khi bấm vào, trang web sẽ hiện rõ ràng mối liên hệ giữa những người này với công ty trung gian và công ty lập ra ở nước ngoài. Trước đó, vào đầu tháng 4, một phần nội dung của Hồ sơ Panama đã được báo chí quốc tế đăng tải rộng rãi. Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế cho biết, lần công bố này không phải là việc “xả dữ liệu” như kiểu WikiLeaks đã làm.
Tài liệu này nằm trong cơ sở dữ liệu “nặng” tới 2,6 TB do một nguồn tin giấu tên gửi cho tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức hồi một năm trước, trong đó cho thấy một hệ thống những công ty “ma” được thiết lập trên thế giới, nhằm giúp người giàu trốn thuế hoặc rửa tiền. Dữ liệu này vốn thuộc về hãng luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama.
Kể từ khi Hồ sơ Panama được tiết lộ, nhiều cá nhân nổi tiếng đã gặp rắc rối, phải công khai hồ sơ thuế hoặc bị điều tra trốn thuế.
Trong đó, đáng chú ý nhất có Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson và Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria phải từ chức, do tên tuổi của hai ông này xuất hiện trong tài liệu./.
Ý kiến ()