Thứ Tư, 15/01/2025 20:02 (GMT +7)

Công trình vi phạm tại Chùa Hương sẽ được chỉnh sửa

Thứ 2, 18/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan liên quan và các nhà khoa học tổ chức cuộc họp tìm hướng xử lý công trình vi phạm tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn.

Tại cuộc họp, xuất hiện thêm một vấn đề khác, đó là công trình cải tạo Gác chuông tại chùa Thiên Trù (thuộc khu di tích) đang trong quá trình triển khai cũng chưa tuân thủ đúng quy định.

Công trình Hương nghiêm pháp đường. Ảnh: tienphong.vn

Mặc dù vậy, cuộc họp cũng giải quyết được câu trả lời về hướng xử lý hai công trình vi phạm. Theo đó, cả hai công trình này đều được xử lý theo hướng mềm mỏng, có nghĩa phải chỉnh sửa cho phù hợp với không gian di tích.

Đánh giá lại cấu kiện hạ giải của Gác chuông

Trước đó, hạng mục kiến trúc Gác chuông bị xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sụp đổ. Trước thực trạng trên, thượng tọa Thích Minh Hiền báo cáo UBND huyện Mỹ Đức và mời đơn vị thiết kế lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ Gác chuông chùa Thiên Trù.

UBND huyện Mỹ Đức đã có văn bản báo cáo các cấp tu bổ, tôn tạo hạng mục này bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Tháng 7/2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản thỏa thuận báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ Gác chuông chùa Thiên Trù.

Tuy nhiên, cuối năm 2015, khi tiến hành kiểm tra công tác tu bổ, tôn tạo hạng mục Gác chuông chùa Thiên Trù, các cơ quan quản lý văn hóa nhận thấy, công trình Gác chuông cơ bản xây dựng xong và được xây mới không đúng với hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, nội dung thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Cụ thể, công trình được xây dựng mới theo đúng cấu trúc và tỷ lệ công trình Gác chuông cũ nhưng các cấu kiện gốc được sơn bằng sơn công nghiệp không phù hợp. Trong khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu chủ đầu tư sau khi hạ giải cấu kiện gỗ phải lập hội đồng đánh giá cấu kiện, xem xét có tái sử dụng được hay không.

Nhưng chủ đầu tư không thực hiện theo nguyên tắc này, không đánh dấu mã hiệu các cấu kiện trước khi hạ giải, không tổ chức đánh giá cấu kiện, không tái sử dụng các cấu kiện bằng gỗ lim còn tốt…Các chân tảng tại gác chuông cũng không đồng bộ, cần chỉnh sửa.

Sau các ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan liên quan, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư bóc lớp sơn bóng ở cấu kiện gỗ để trả lại màu gỗ tự nhiên. Chân đá tảng chỉnh sửa cho phù hợp sau khi có ý kiến của Cục Di sản Văn hóa. Ngay sau hội nghị, huyện Mỹ Đức thành lập hội đồng đánh giá cấu kiện gỗ để phân loại. Với các cấu kiện còn tốt, có thể đưa vào gian trưng bày ở chùa hoặc tái sử dụng ở công trình khác, cấu kiện hỏng cần đưa đi tiêu hủy.

Chỉnh sửa công trình “Hương nghiêm pháp đường”

Công trình này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt xây dựng theo quy định, hơn nữa lại được xây dựng với quy mô 3 tầng, cao khoảng 11,8 mét, nằm sát vị trí chùa Thiên Trù. Hình khối và màu sắc không phù hợp với không gian, cảnh quan của khu di tích, thắng cảnh Hương Sơn. Hệ thống lan can đá bao quanh tầng 2 chưa phù hợp với kiểu kiến trúc truyền thống gây phản cảm…

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, việc xây dựng công trình văn hóa đối ngược với cảnh quan kiến trúc di tích như vậy thể hiện việc thiếu tầm nhìn của chủ đầu tư. Công trình đã xây dựng xong, nếu đập đi sẽ gây lãng phí nên điều cần thiết phải cải tạo để thích nghi.

Đồng quan điểm này, giáo sư Trầm Lâm Biền cũng cho rằng, tên gọi “Hương nghiêm pháp đường” không phù hợp vì công năng chính của công trình này là nhà khách. Kiến trúc của công trình là sự khoe mẽ, gây phản cảm nên buộc phải chỉnh sửa.

Thực tế, các nhà khoa học và các nhà quản lý văn hóa đều cho rằng, việc xây dựng nhà khách mới phục vụ cho chùa trong khi nhà khách cũ bị xuống cấp, là điều có thể chấp nhận. Nhất là khi được xây dựng tại vị trí cũ và không nằm trên trục trung tâm của di tích. Tuy nhiên, nếu xây dựng bài bản, tuân thủ theo nguyên tắc thì có gì phải bàn cãi nhiều.

Hướng xử lý nhận được sự đồng thuận của các nhà khoa học, của Cục Di sản Văn hóa cũng như Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hiện nay là chỉnh sửa lại công trình cho phù hợp. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư trồng hàng cây ở sân trước công trình để thu hẹp diện tích sân lại, bức tường tiếp giáp khu mộ tháp và sân cần phải trồng cây lưu niên để ngăn cách.

Đối với các con giống gắn tại đầu ống thoát nước, bờ chảy, bờ nóc, đầu kìm cần phải dỡ bỏ hoặc chỉnh sửa lại. Toàn bộ hệ thống tháp nhỏ 11 tầng đầu cột tầng 2 phải dỡ bỏ, lan can đá cần thiết kế lại và sơn lại toàn bộ mặt ngoài công trình cho phù hợp với không gian di tích. Theo ý kiến của Cục Di sản Văn hóa, mái sảnh phía trước công trình nên dỡ bỏ.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND huyện Mỹ Đức chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, nhà khoa học lập phương án, lập thiết kế cụ thể để chỉnh sửa công trình. Tất cả các công việc đều phải lập hồ sơ và có sự đồng ý của các cơ quan chức năng mới tiến hành triển khai.

Công tác chỉnh sửa hai công trình vi phạm phải tiến hành hai giai đoạn. Từ nay đến trước Tết nguyên đán có thể tiến hành những công việc trước mắt như bóc sơn gác chuông, xử lý chân tảng, phá bỏ con giống ở đầu ống thoát nước, ống trụ trên lan can, sơn lại toàn bộ mặt nhà khách. Giai đoạn 2 tiến hành sau mùa hội (hết tháng 3 âm lịch).

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng kiến nghị UBND huyện Mỹ Đức xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm tại khu di tích danh thắng Hương Sơn.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu