Chủ Nhật, 12/01/2025 08:59 (GMT +7)

Cuộc chiến nảy lửa trên thị trường thuốc trị ung thư Trung Quốc

Thứ 2, 08/04/2019 | 11:37:00 [GMT +7] A  A

Một cuộc chiến đang diễn ra trên thị trường thuốc điều trị bệnh ung thư tại Trung Quốc, nơi các phòng thí nghiệm trong nước phải đạt được sự cân bằng giữa trách nhiệm xã hội và lợi nhuận trong một chiến lược dài hạn nhằm chiếm lĩnh thị phần từ những “người khổng lồ” đa quốc gia.

Một nhà khoa học truyền chất dịch lỏng vào ống nghiệm tại Phòng thí nghiệm của công ty Driver Inc tại Shantou, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Mặt trận “nóng” nhất

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, mặt trận chiến đấu khốc liệt nhất là trong danh mục thuốc điều trị miễn dịch có tên là chất ức chế PD-1 và PD-L1, loại thuốc có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại các khối u ác tính. Khoản lợi nhuận thu được sẽ là khổng lồ trong một thị trường mà doanh số bán thuốc trị ung thư hàng năm có thể tăng 90% lên tới 262 tỷ nhân dân tệ (39 tỷ USD) vào năm 2022, theo công ty tư vấn nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan.

Tiềm năng đó đang thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp dược, biến chăm sóc sức khỏe trở thành một trong những lĩnh vực “nóng” nhất đối với các quỹ đầu tư tư nhân và cả các nhà đầu tư mạo hiểm trong năm ngoái. Đã có 40 thử nghiệm lâm sàng về thuốc PD-1 diễn ra kể từ năm 2018 – với chi phí lên tới 200 triệu nhân dân tệ cho giai đoạn ba của một cuộc thử nghiệm thuốc cho tối đa 500 bệnh nhân.

Li Ning, Giám đốc điều hành công ty dược Trung Quốc Shanghai Junshi Bioscatics, cho biết: “Thị trường này đủ lớn để chứa thêm 5-6 ‘người chơi’ nữa. Không giống như thuốc điều trị các bệnh mãn tính, điều trị ung thư rất tốn kém, và do đó hiệu quả là ‘vua’. Bất cứ ai có thể chứng minh thuốc của họ hiệu quả vượt trội và có thể đáp ứng các yêu cầu an toàn sẽ giành chiến thắng”.

Tuy nhiên, chi phí nghiên cứu và phát triển lại tăng vọt so với giá bán lẻ của thuốc trị ung thư. Đó là một mối lo ngại rất lớn ở Trung Quốc, nơi chính phủ cố gắng đảm bảo chi phí điều trị bệnh phải chăng những vẫn phải tránh những cáo buộc về việc kiểm soát giá cả tuân thủ nguyên tắc quản trị xã hội chủ nghĩa.

Chú thích ảnh

Tại Phòng nghiên cứu ung thư, các tế bào được phân chia bằng cách sử dụng các pipet điện tử. Ánh: SCMP

Theo nghiên cứu của GF Securities, gần 1/4 số ca ung thư được chẩn đoán trên thế giới vào năm 2015 là tại Trung Quốc, trong đó, bệnh nhân Trung Quốc chiếm gần một nửa số ca ung thư thực quản, dạ dày, gan và đại trực tràng.

Sự cân bằng giữa trách nhiệm xã hội và lợi nhuận đặt các công ty công nghệ sinh học và khởi nghiệp Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: họ phải phục vụ lợi ích của các nhà đầu tư, và cũng phải phục vụ tốt cho xã hội. Chi phí điều trị phải được giữ ở mức thấp những vẫn phải tạo ra đủ dòng tiền tài trợ cho việc phát triển thêm nhiều loại thuốc khác.

Thuốc ức chế PD-1 và khoảng cách nội – ngoại

PD-1 và PD-L1 là các protein trên bề mặt tế bào, có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch. Các protein PD-1 bị lỗi liên quan đến việc gây ra các bệnh tự miễn và chúng cũng có thể ngăn cản hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư. Để kích hoạt khả năng phòng chống ung thư của cơ thể, người ta sử dụng các loại thuốc tiêm truyền tĩnh mạch để ức chế phản ứng của PD-1 và PD-L1.

Bristol-Myers Squibb và Merck, cả hai “người khổng lồ” dược phẩm có trụ sở tại Mỹ, đã đi đầu trong việc phát triển các liệu pháp ức chế PD1 trên thị trường trị liệu miễn dịch còn mới mẻ của Trung Quốc. Năm ngoái, các nhà quản lý Trung Quốc đã cho phép thuốc Opdivo của Bristol-Myers điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối, trong khi thuốc Keytruda của Merck được bật đèn xanh cho việc điều trị một loại ung thư da.

Trong khi đó, công ty dược nội địa Junshi của Giám đốc Li Ning đã huy động được 2,9 tỷ đô la Hong Kong (tương đương 377 triệu USD) trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hong Kong vào đúng ngày trước Giáng sinh 2018. Đây là công ty đầu tiên được phép đưa ra thị trường một chất ức chế kháng thể đơn dòng kháng PD-1 được gọi là Toripalimab, được sử dụng để điều trị một loại ung thư da, ngay trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Chú thích ảnh

Các nhà sản xuất thuốc trị ung thư Trung Quốc đang nỗ lực cạnh tranh thị phần với những “ông lớn” đa quốc gia như Bristol-Myers Squibb và Merck. Ảnh: SCMP

Toripalimab có giá khoảng 180.000 nhân dân tệ (gần 620 triệu VND) cho một năm kê đơn ở Trung Quốc, tức là gấp 1,5 lần thu nhập hàng năm của một nhân viên văn phòng trung bình ở Bắc Kinh, vốn nằm trong số những người có thu nhập cao nhất quốc gia. Tuy nhiên, mức giá đó đã rẻ hơn chi phí điều trị của các hãng dược đa quốc gia khoảng 200.000-300.000 nhân dân tệ – theo ước tính của công ty tài chính Nomura (Nhật Bản) vào tháng 7/2018.

“Dựa trên nghiên cứu thị trường, chúng tôi tin rằng mức giá từ 150.000 nhân dân tệ đến 200.000 nhân dân tệ là hợp lý và có thể chấp nhận được đối với cả bệnh nhân, bác sĩ và chính phủ”, giám đốc điều hành của Junshi, Li Ning nói. Theo ông “đây là một sự cân bằng tốt giữa lợi nhuận (của công ty dược) và khả năng chi trả (của bệnh nhân)”.

Tại Mỹ, nơi có khoảng 90% dân số được chi trả bởi bảo hiểm y tế công cộng hoặc tư nhân vào năm 2016, loại thuốc có tác dụng tương tự là Keytruda có giá gần gấp đôi giá tại Trung Quốc.

Tiềm năng lớn cho sự tăng trưởng doanh số của thuốc Toripalimab, có thể giúp công ty Junshi tăng số tiền cần thiết để tài trợ cho nghiên cứu với 16 loại thuốc đang được phát triển, ngay cả khi tổng tỷ suất lợi nhuận của nó không quá 10%.

Sau khi ra mắt loại thuốc trị ung thư đầu tiên cách đây 4 tuần và xây dựng đội ngũ bán hàng và tiếp thị gồm 240 người, Junshi đã đầu tư từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ nhân dân tệ cho nghiên cứu tìm ra thuốc mới chống ung thư trong năm nay, tăng mạnh so với con số 538 triệu nhân dân tệ của năm ngoái.

Trong khi đó, một công ty Trung Quốc khác là Innovent Biologics, có trụ sở tại thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, hồi tháng 1 đã được cấp phép ra mắt liệu pháp chống PD-1 có tên Sintilimab, phối hợp với thuốc của Eli Lilly (công ty dược Mỹ) để điều trị bệnh ung thư hạch Hodgkin.

Liệu pháp trên có chi phí điều trị rẻ hơn tới 56% so với thuốc Keytruda của Merck ở Trung Quốc, ngay cả khi hai loại thuốc này được sử dụng cho các loại ung thư khác nhau.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Innovent Bilogics, Michael Yu Dechao. Ảnh: SCMP

Theo Chủ tịch Innovent, ông Michael Yu Dechao thì giá thuốc của Innovent dựa trên mục tiêu phát triển, sản xuất và bán thuốc ung thư phù hợp với người dân Trung Quốc, và cuối cùng là để xuất khẩu sang các thị trường khác.

Các loại thuốc ức chế PD-1 có hiệu quả trên nhiều loại khối u và một phần lớn doanh số của thuốc này ở Trung Quốc được bán dựa trên đơn xin mua của bệnh nhân ung thư chứ không phải là do bác sĩ kê đơn. Thuốc này thường được tìm kiếm bởi các bệnh nhân giai đoạn cuối, có khối u đã phát triển trở lại sau các đợt hóa trị.

Trong khi đó, thuốc Keytruda của Merck được Cơ quan Quản lý Dược Liên bang Mỹ cho phép dùng để điều trị bệnh ung thư hạch Hodgkin, bệnh ung thư tế bào B và các tế bào ung thư ở đường tiêu hóa, gan, cổ tử cung, bàng quang và đầu và cổ. Keytruda cũng là phương pháp điều trị PD-1 đầu tiên được chấp thuận sử dụng ở Trung Quốc trên nhiều loại khối u. Đó là một vận may cho Merck, nơi doanh số thuốc Keytruda từ 2015 – 2018 đã tăng 90% lên 7,2 tỷ USD.

Hiện tại 70-30 và tương lai 30-70?

Các nhà phân tích cho rằng, trong giai đoạn đầu phát triển, các công ty dược phẩm ở nước ngoài có thể chiếm lĩnh 70% thị trường Trung Quốc với các phương pháp điều trị PD-1 và PD-L1, trong khi các công ty trong nước chiếm phần còn lại. Tuy nhiên, một tỉ lệ đảo ngược có thể sẽ xảy ra trong dài hạn, Giám đốc Li Ning nhận định. Ông nói thêm rằng doanh số thuốc điều trị ung thư hàng năm ở Trung Quốc có thể tăng lên từ 60 – 80 tỷ nhân dân tệ trong vòng 3-4 năm tới.

Chú thích ảnh

Theo Trung tâm Ung thư quốc gia Trung Quốc, trên 780.000 người dân nước này được chẩn đoán mắc ung thư phổi mỗi năm. Ảnh: China News Service

Các phòng thí nghiệm Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn các công ty nước ngoài ở một số loại ung thư đặc biệt phổ biến trong dân cư địa phương, chẳng hạn như ung thư phổi, gan và khoang mũi họng.

Các công ty Trung Quốc tập trung vào đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị ung thư của người dân trong nước, trong khi các công ty dược phẩm đa quốc gia lớn lại hướng đến nhu cầu của thị trường phương Tây. Nghiên cứu cho thấy, Trung Quốc chiếm một nửa số ca mắc ung thư gan trên thế giới và loại ung thư thực quản chủ yếu ở Trung Quốc khác với loại thường gặp ở phương Tây.

Các nhà phân tích Luo Jiarong và Wu Yu cho biết, kết quả lâm sàng ban đầu cho thấy sự phát triển của thuốc ức chế PD-1 và PD-L1 được điều chế nội địa đối với bệnh ung thư hệ tiêu hóa đã có tiến triển tốt và việc thương mại hóa chúng để thay thế các phương pháp điều trị hiện tại chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu