Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 27/12/2024 08:56 (GMT +7)
Đa dạng sản phẩm du lịch từ văn hóa Khmer Nam Bộ – Cần những đột phá mới
Thứ 4, 09/12/2020 | 18:12:00 [GMT +7] A A
Di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc, trong đó có đồng bào Khmer cùng cảnh quan tươi đẹp, hiền hòa chính là tài nguyên quan trọng để tạo nên nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, để phát triển đa dạng hơn sản phẩm du lịch trên cơ sở các giá trị văn hóa của dân tộc Khmer, nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi địa phương cần có giải pháp mang tính đột phá, căn cơ hơn. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nét văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch, gia tăng chất lượng sản phẩm, tạo sự khác biệt rõ rệt hơn cho mỗi điểm đến.
Các đội ghe Ngo tập kết chuẩn bị thi đấu tại giải đua ghe Ngo Sóc Trăng 2020. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN
Chưa khai thác hết tiềm năng
Tại các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, cùng với việc quan tâm bảo tồn, hoạt động khai thác các di sản, giá trị văn hóa Khmer vào phát triển du lịch đã được ngành chức năng và nhiều doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ du lịch chú trọng thực hiện.
Song thực tế, một số nơi vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Một số điểm đến chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ, chưa có sự liên kết giữa các loại hình du lịch như du lịch tâm linh – du lịch sinh thái, du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa – du lịch sinh thái – du lịch ẩm thực, mua sắm để tăng thêm sức hấp dẫn cho điểm đến cũng như kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Với quan điểm cần chú trọng khai thác nhiều hơn các giá trị văn hóa để hoàn thiện sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm cho du khách, Tiến sỹ Tạ Duy Linh, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (Hội Trí thức và khoa học công nghệ trẻ Việt Nam) nêu ý kiến: Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có đồng bào các dân tộc như Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống nên các giá trị văn hóa tâm linh, nghệ thuật kiến trúc, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng dân gian vừa có tính đặc sắc vừa có tính giao lưu rõ nét.
Đồng bào Khmer ở huyện Trà Cú sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp và làm các nghề thủ công truyền thống như dệt chiếu, may trang phục truyền thống, làm mặt nạ nghệ thuật Khmer. Đây chính là tiềm năng để địa phương phát triển mạnh dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ sản phẩm cho du lịch, nhiều điểm tham quan trên địa bàn huyện còn ở dạng “tài nguyên thô” cần được đầu tư để phát triển du lịch trong thời gian tới. Một số điểm đến mới chỉ dừng lại ở việc chuyển tải các giá trị về cảnh quan, văn hóa mà còn thiếu dịch vụ đi kèm như thuyết minh, quầy giới thiệu đồ lưu niệm, quà tặng…
Đồng bộ giải pháp
Khai thác hiệu quả hơn sự khác biệt, nét đặc sắc để làm mới sản phẩm, gia tăng chất lượng dịch vụ, có các hoạt động trải nghiệm nhằm hấp dẫn du khách là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia lĩnh vực văn hóa – du lịch nhấn mạnh khi đề cập tới việc phát huy, quảng bá giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào Khmer nói riêng, thông qua hoạt động du lịch. Thực hiện hiệu quả giải pháp này sẽ góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, đồng thời định vị thương hiệu du lịch một cách rõ nét và thuyết phục hơn cho từng địa phương trong vùng Tây Nam Bộ.
Đề xuất các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn nét văn hóa của đồng bào Khmer, Thạc sỹ Tạ Tường Vy, Trường Đại học Văn Lang cho rằng, các địa phương cần nâng cao chất lượng điểm đến và thu hút đầu tư mạnh hơn từ các doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ du lịch. Với Sóc Trăng, tỉnh nên ưu tiên phát triển các loại hình du lịch cộng đồng gắn với loại hình du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; tập trung phát triển cụm, tuyến, chương trình gắn với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Khmer.
Tỉnh thực hiện đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch như văn hóa lễ hội, tham quan di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề tại Sóc Trăng; tăng cường giáo dục ý thức văn hóa, tinh thần dân tộc nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, tỉnh phát huy lợi thế của sông nước, vùng biển để tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí gắn với loại hình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của đồng bào Khmer, Hoa, Kinh.
Trà Vinh cũng là địa phương ở Tây Nam Bộ sở hữu nhiều tài nguyên cho du lịch từ những di sản văn hóa của đồng bào Khmer. Tỉnh đang đề ra nhiều giải pháp phát triển du lịch từ những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc trong đó có đồng bào Khmer trên địa bàn để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành “công nghiệp không khói” trên địa bàn.
Theo ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa của đồng bào các dân tộc như xây dựng hoàn chỉnh không gian Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh gắn liền với khu di tích danh thắng Ao Bà Om, di tích Bờ Lũy – chùa Lò Gạch với nền văn hóa Óc Eo để tạo điểm nhấn cho du lịch Trà Vinh. Bên cạnh đó, tỉnh hình thành các điểm đến “mô hình kiểu mẫu” trong việc xây dựng chuỗi giá trị du lịch gắn với thế mạnh du lịch nông nghiệp tại cồn Chim (huyện Châu Thành), cồn Hô (huyện Càng Long) và một số điểm đến khác.
Trà Vinh cũng tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2020-2025, mỗi địa phương hình thành ít nhất một điểm đến tiêu biểu dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc trưng của mình.
Theo đại diện Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đa dạng sản phẩm du lịch, tăng cường quảng bá, giới thiệu những giá trị, di sản văn hóa, trong đó có các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Khmer; gắn bảo tồn với phát huy giá trị của di sản trong hoạt động du lịch…
https://baotintuc.vn/du-lich/da-dang-san-pham-du-lich-tu-van-hoa-khmer-nam-bo-bai-cuoi-can-nhung-dot-pha-moi-20201209094501440.htm
Ý kiến ()