(TTXVN/Vietnam )
Tất cả chuyên mục
Từ ngày 26-31/3, Đoàn công tác Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ do ông David Sapterstein, Đại sứ lưu động phụ trách Tự do tôn giáo quốc tế dẫn đầu đã thăm, tìm hiểu tình hình tôn giáo tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn đã làm việc với một số cơ quan hữu quan của Việt Nam và một số địa phương.
Trong các ngày từ 30-31/3, trong cuộc tiếp và làm việc với Đoàn, lãnh đạo hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã chia sẻ về tình hình tôn giáo tại địa phương. Các cấp chính quyền hai tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp.
Các tổ chức tôn giáo đã góp phần cùng chính quyền địa phương cải thiện đời sống nhân dân thông qua các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại sứ David Sapterstein đã ghi nhận buổi làm việc tại các địa phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn.
Đại sứ cho biết đã nhận được nhiều thông tin của các tổ chức tôn giáo quốc tế về việc Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong các hoạt động tôn giáo. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều hội thánh, điểm nhóm của các tổ chức tôn giáo được chính quyền địa phương tạo điều kiện hoạt động.
Đại sứ chia sẻ những điểm thay đổi tích cực của Việt Nam trong các dự luật mới liên quan đến tôn giáo. Những thông tin mà tỉnh Kon Tum, Gia Lai cung cấp đã giúp Đại sứ và đoàn công tác hiểu biết rõ hơn về tự do tôn giáo tại địa phương.
Trước đó, tại Hà Nội, Thượng tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam đã tiếp ông David Saperstein, Đại sứ lưu động phụ trách Tự do tôn giáo quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Tô Lâm khẳng định nhân quyền vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển và công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam. Các quyền con người được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm thực hiện bằng nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế.
Mọi người dân đều được thực hiện các quyền tự do của mình. Việt Nam hiện là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, trong đó có Công ước về các quyền dân sự, chính trị; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa…
Ở Việt Nam, 54 dân tộc anh em luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm.
Việt Nam là một quốc gia tự do tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân; điều đó đã được khẳng định trong Hiến pháp của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam có chính sách nhất quán và luôn nỗ lực để đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, coi đây là một mục tiêu quan trọng đi cùng với công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Mỗi người dân có tín ngưỡng hay không theo tín ngưỡng tôn giáo đều được tôn trọng và thực hiện theo luật pháp Việt Nam.
Ở Việt Nam hiện nay có nhiều tôn giáo khác nhau. Các tôn giáo đều hướng tới xây dựng một đất nước hòa bình, ổn định, phát triển.
Trong những năm qua, Bộ Công an Việt Nam đã thực hiện tốt hai nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà Nhà nước, Chính phủ Việt Nam giao cho là đoàn kết mọi người dân có tôn giáo hay không theo tôn giáo, xây dựng một nước Việt Nam phát triển và chống xung đột tôn giáo. Các tôn giáo chung sống hòa hợp, các chức sắc, tín đồ tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ trưởng Tô Lâm tin tưởng rằng chuyến thăm, làm việc lần này của Đại sứ lưu động phụ trách Tự do tôn giáo quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ giúp hai bên chia sẻ, hiểu nhau hơn nữa vì lợi ích hai nước, vì mục tiêu phát triển và hòa bình của các nước trên thế giới và khu vực trong đó có vấn đề tôn giáo, nhân quyền…
Đại sứ David Saperstein bày tỏ vui mừng được trở lại thăm Việt Nam trong thời điểm quan hệ hợp tác hai nước đang phát triển hết sức tích cực; chân thành cảm ơn Thứ trưởng Tô Lâm đã dành thời gian tiếp; đánh giá cao các vấn đề nhân quyền, tự do tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam trong những năm qua.
Đại sứ tin tưởng rằng chuyến thăm, làm việc lần này sẽ đạt nhiều kết quả tốt; giúp hai bên chia sẻ, hiểu biết nhau hơn nữa trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm…/.
Ý kiến ()