Đại thắng mùa xuân 1975 - nơi ghi dấu ấn đậm nét của những vị tướng
Chủ nhật, 30/04/2023 | 11:26:48 [GMT +7] AA
VOV.VN - Đại thắng mùa Xuân 1975 là nơi ghi nhiều dấu ấn đậm nét của những vị tướng lĩnh cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam.
Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) đầy ắp những sự kiện, nhưng nó càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi trong đó chứa đựng Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn là đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh cách mạng Việt Nam, đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như những trang chói lọi nhất. Đồng thời, Đại thắng mùa Xuân 1975 còn là nơi ghi nhiều dấu ấn đậm nét của những vị tướng lĩnh cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dấu ấn trong đòn tiến công chiến lược giải phóng Tây Nguyên
Để tăng cường sự lãnh đạo và chỉ huy cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975, đặc biệt là bảo đảm cho Chiến dịch Tây Nguyên với trận mở màn then chốt Buôn Ma Thuột giành thắng lợi, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định cử các đồng chí: Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Lê Ngọc Hiền - Tổng Tham mưu phó và một số cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu vào chiến trường, hình thành bộ phận đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh ở chiến trường miền Nam (Mật danh Đoàn A75).
Trước ngày đoàn lên đường, các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái có cuộc họp bàn về cách đánh trong Chiến dịch Tây Nguyên, tất cả đều thống nhất: Đòn tiến công chiến lược đầu tiên phải tranh thủ bất ngờ, tập trung cao độ giải quyết Buôn Ma Thuột, bảo đảm chắc thắng trận đầu; tiếp đó, nhanh chóng phát huy thắng lợi, tiến công liên tục, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, giải phóng và giữ cho được những địa bàn chiến lược quan trọng ở Tây Nguyên[1].
Ngày 5/2/1975, Đoàn A75 lên đường. Những biện pháp bảo mật, nghi binh được thực hiện nghiêm ngặt. Ngay khi vào đến Sở Chỉ huy của Bộ ở phía tây nam thị xã Buôn Ma Thuột, đồng chí Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương công bố Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên gồm: Tư lệnh - Trung tướng Hoàng Minh Thảo; Chính uỷ - Đại tá Đặng Vũ Hiệp; Phó Tư lệnh - Thiếu tướng Vũ Lăng và các đại tá: Phan Hàm, Nguyễn Năng, Nguyễn Lang; Phó Chính uỷ - Đại tá Phí Triệu Hàm[2].
Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, chu đáo về mọi mặt, Chiến dịch Tây Nguyên đã diễn ra và kết thúc thắng lợi (từ ngày 4/3 đến ngày 3/4/1975). Đặc biệt, đòn tiến công thị xã Buôn Ma Thuột đã “điểm trúng huyệt”, làm rung động thế trận của đối phương, “tạo ra đột biến về chiến dịch, dẫn đến đột biến về chiến lược, gây tác động dây chuyền, tạo thời cơ cho những trận then chốt tiếp sau, tạo nên bước ngoặt quyết định của sự phát triển chiến dịch và cả chiến lược dẫn đến sự phá vỡ chiến lược”[3]. Chính vì thế, báo chí Sài Gòn, đặc biệt báo chí các nước tới tấp đưa tin, bình luận về trận Buôn Ma Thuột, coi trận Buôn Ma Thuột là một thắng lợi thần kỳ. Báo Le Monde (Pháp) số ra ngày 21/3/1975 viết: “Trong vài ngày, bản đồ quân sự miền Nam bị đảo lộn. Chỉ có trận Buôn Ma Thuột mà khiến cho mảng cấu trúc do chế độ Thiệu dựng lên bị sụp đổ. Hoá ra Buôn Ma Thuột mang cái đà của một bước ngoặt trong cuộc xung đột đến nay đã được 30 năm”[4].
Thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có vai trò to lớn của những vị tướng lĩnh cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tiêu biểu là Tư lệnh Chiến dịch Hoàng Minh Thảo. Bởi ngay từ năm 1973, khi ra Bắc họp ông đã đề nghị với Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về việc đánh Buôn Ma Thuột. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Trong buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu ý kiến: Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước. Tôi rất tán thành. Sau này ý kiến đó của ông được Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đồng tình chấp nhận[5].
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã kiểm chứng nhận định và đánh giá chính xác của Tư lệnh Chiến dịch Hoàng Minh Thảo. Từ nhãn quan một nhà nghiên cứu quân sự, ông đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên - nơi hiểm yếu là Buôn Ma Thuột và trực tiếp chỉ huy, đề ra nguyên lý: “Mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời. Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thời thế”, đó là những tinh hoa của nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại.
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên cũng ghi dấu ấn sâu đậm của Đại tướng Văn Tiến Dũng, bởi ngay từ đầu tháng 1/1975, Bộ Thống soái tối cao[6] đã quyết định cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vào chiến trường Tây Nguyên, trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch A75 (Mật danh Chiến dịch Nam Tây Nguyên). Đây là quyết định sáng suốt, đúng đắn, thể hiện quyết tâm và quan điểm thực tiễn trong chỉ đạo chiến lược của Bộ Thống soái tối cao. Từ giữa tháng 2/1975 cho đến đòn mở đầu Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng các cán bộ của cơ quan tham mưu chiến lược trực tiếp chỉ đạo, đề xuất phương án tác chiến với Bộ Tư lệnh Chiến dịch, qua đó thực hiện xuất sắc phương châm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã vạch ra, giành thắng lợi vang dội cho Chiến dịch quan trọng này.
Dấu ấn trong đòn tiến công chiến lược giải phóng Huế, Đà Nẵng
Sau những chiến thắng ở Tây Nguyên, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu làm việc không kể ngày đêm, tập trung trí tuệ, sức lực, kinh nghiệm và bản lĩnh để kịp thời ban hành, hạ đạt những mệnh lệnh, chỉ thị tối ưu nhất cho chiến trường.
Chiều 25/3/1975, ngay sau khi nhận được tin Quân đoàn 2 đã tiến vào nội thành Huế, cơ hội giải phóng nhanh Đà Nẵng mở ra, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định hạ lệnh cho Quân đoàn 2 và Khu 5 khẩn trương tổ chức lực lượng phối hợp tiến công giải phóng Đà Nẵng, đồng thời lệnh các bộ phận của Quân đoàn 1 lật cánh từ Đường 1 lên Tây Nguyên, thần tốc hướng thẳng vào mục tiêu trọng điểm Sài Gòn, không qua Đà Nẵng.
Để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ của các sư đoàn chủ lực Tây Nguyên, ngày 26/3/1975, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Quân đoàn 3[7] và giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 3 kết hợp cùng Khu 5 giải phóng các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cùng quân cảng Cam Ranh (nếu thuận lợi); ngay sau đó, tìm mọi cách nhanh nhất đưa lực lượng quay trở lại Tây Nguyên, từ Tây Nguyên hành quân vào Đông Nam Bộ tham gia trận quyết chiến dứt điểm Sài Gòn.
Cũng trong ngày 26/3/1975, tại Hà Nội, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp triệu tập cuộc họp của Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Trung tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà chỉ được phép dứt điểm Đà Nẵng trong vòng 3 ngày tính từ ngày nổ súng là ngày 27/3/1975. Để nắm nhanh nhất, chi tiết nhất sự vận động khẩn trương, liên tục của chiến trường, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập Tổ Thường trực giúp việc Tổng Tư lệnh chỉ đạo tác chiến trong đợt tiến công chiến lược lần này, gồm những người có kinh nghiệm tham mưu tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu do đồng chí Cao Văn Khánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tổ trưởng. Mỗi ngày bốn lần, Đại tướng trực tiếp nghe tổ báo cáo, đề đạt ý kiến.
Quán triệt quyết tâm của Tổng Tư lệnh, tại Mặt trận Quảng Đà, sau đúng 3 ngày đêm chiến đấu, ngày 29/3/1975, Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà đã chỉ huy quân dân trên chiến trường đánh tiêu diệt và làm tan rã hơn 10 vạn tên địch tại căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đòn tiến công chiến lược thứ hai[8].
Dấu ấn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Trong bối cảnh tình thế chiến trường đang rất thuận lợi, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị tổ chức phiên họp mở rộng bàn về đòn chiến lược thứ ba tại Sài Gòn - đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Thay mặt Quân ủy Trung ương, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo tổng quát tình hình chiến trường và khẳng định: Từ đầu tháng 3 đến nay, từ Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đến cực Nam Trung Bộ, quân dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn chủ lực I và II của địch; thu và phá huỷ trên 40% cơ sở vật chất hậu cần của chúng; giải phóng một địa bàn rộng lớn gồm 12 tỉnh và gần một nửa số dân ở miền Nam. Âm mưu co cụm chiến lược của địch bị phá sản; chính quyền và quân đội Sài Gòn đang lâm vào tình trạng hoang mang, bế tắc cao độ. Tuy vậy, địch vẫn ngoan cố lập tuyến phòng ngự từ xa ở Phan Rang, đồng thời cố gắng thu thập tàn quân, chấn chỉnh các đơn vị còn lại, điều chỉnh thế bố trí nhằm tăng cường khả năng phòng thủ khu vực Sài Gòn - Gia Định; chúng hy vọng sẽ ngăn chặn và đẩy lùi được cuộc tiến công của ta, giữ thế cầm cự cho tớị mùa mưa. Về phía ta, sau trận Huế, Đà Nẵng đã bắt đầu chuyển sang tổng tiến công chiến lược.
Thời cơ lớn đã xuất hiện. Đại tướng, Tổng Tư lệnh đề nghị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến giải phóng Sài Gòn theo hướng: Thực hiện bao vây chiến lược ở phía Đông và phía Tây Sài Gòn, sử dụng nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch[9].
Sau khi thảo luận, Bộ Chính trị khẳng định: “Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của VNCH. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi”[10]. Như vậy, từ cuộc họp lịch sử này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân Việt Nam đã chính thức bắt đầu.
Để tập trung, thống nhất cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược quyết định, ba đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng và Phạm Hùng được cử làm đại diện của Bộ Chính trị tại Mặt trận. Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, làm Chính ủy. Các đồng chí Phó Tư lệnh chiến dịch: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Trung tướng Lê Trọng Tấn; Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị: Lê Quang Hoà; Quyền Tham mưu trưởng Chiến dịch: Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền.
Ngoài ra, nhiều cán bộ các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục, các quân chủng, binh chủng được điều vào chiến trường giúp Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo các mặt công tác. Một vấn đề quan trọng khác là các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của Miền (B2) được sử dụng làm cơ quan chiến dịch. Điều đó giúp phát huy và kết hợp tốt sở trường của tất cả các thành phần. Bởi cán bộ địa phương hiểu biết chiến trường, tình hình tại chỗ, có kinh nghiệm thực tế kết hợp với cán bộ của Bộ tăng cường, có kinh nghiệm chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn.
Có thể thấy, bộ máy chỉ đạo, chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã tập trung đầy đủ quyền hạn, năng lực điều hành để vừa trực tiếp chỉ huy chiến dịch, vừa chỉ đạo các chiến trường phối hợp. Đây là một nét tiêu biểu, độc đáo, phát huy được sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực tiễn, bảo đảm chắc thắng cho trận quyết chiến chiến lược. Lần đầu tiên trong một chiến dịch, có ba đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch. Một Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Phó Tư lệnh Chiến dịch đại diện chỉ huy cánh Đông, hai Phó Tư lệnh Miền trực tiếp phụ trách cánh Tây Nam. Trong quá trình chuẩn bị và thực hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, tình huống chiến đấu, chiến dịch và chiến lược biến động liên tục trên từng hướng tiến công. Trên cơ sở tình hình thực tế, Bộ Tư lệnh Chiến dịch một mặt thường xuyên báo cáo tình hình và nhận sự chỉ đạo của Bộ Thống soái tối cao, mặt khác chủ động, kiên quyết tranh thủ thời cơ, nhạy bén, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ chiến đấu và tổ chức lực lượng thích hợp trên từng mục tiêu then chốt.
Ngày 13/4/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng - Tư lệnh Chiến dịch điện (số 51/Tk) báo cáo Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đề nghị đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý với đề nghị của Đại tướng Văn Tiến Dũng[11]. Quyết định của Bộ Chính trị đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào Chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu. Tiếp đó, trong lúc các đơn vị gấp rút triển khai kế hoạch hành quân, ngày 7/4/1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tư lệnh ra Mệnh lệnh (Điện số 157/TK) cho các cánh quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. quyết chiến và toàn thắng”[12].
Mệnh lệnh của Bộ Thống soái tối cao lập tức được truyền đạt đến các cánh quân, các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ. Tất cả những yếu tố nói trên là tiền đề quan trọng, tạo ra điều kiện thuận lợi và thế trận chắc chắn nhất để Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng, triệt để. Đồng thời, trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân năm 1975 đã thể hiện tài thao lược của Bộ Thống soái tối cao, nhiều dấu ấn đậm nét của những vị tướng lĩnh cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam; đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc./.
-----------------------
[1] Để bảo đảm bí mật, theo quy ước, đồng chí Võ Nguyên Giáp có mật danh là Chiến; đồng chí Văn Tiến Dũng mang mật danh là Tuấn; các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần đều có mật danh riêng.
[2] Khu ủy Khu 5 cử đồng chí Bùi San - Phó Bí thư Khu ủy và các đồng chí lãnh đạo khác cùng đồng chí Nguyễn Cần - Bí thư, Lê Chí Quyết - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và một số đồng chí Tỉnh uỷ viên ở bên cạnh Bộ Tư lệnh và Đảng ủy Chiến dịch chỉ đạo hoạt động nổi dậy của quần chúng; đồng chí Ma H’Oanh - Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột cùng một số cơ quan Khu ủy, Tỉnh ủy ở Tây Nguyên chỉ đạo các lực lượng vũ trang địa phương phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, đồng thời lãnh đạo phong trào nổi dậy của quần chúng đứng lên giành quyền làm chủ, thiết lập chính quyền cách mạng ở các vùng giải phóng.
[3] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945 - 1975, Nxb QĐND, Hà Nội, 1995, tr.478.
[4] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập 8 - Toàn thắng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2013, tr.281.
[5] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.126.
[6] “Bộ Thống soái tối cao” là cách gọi để chỉ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh.
[7] Gồm 3 sư đoàn: 10, 320 và 316 của Tây Nguyên.
[8] Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Chiến dịch Tây Nguyên được coi là đòn tiến công chiến lược thứ nhất.
[9] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.257.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb CT QG, Hà Nội, 2004, tr. 95.
[11] 19 giờ ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị điện (số 37/tk) gửi Mặt trận, toàn văn như sau: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Điện do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký.
[12] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.286.
Ý kiến ()