Đại tướng Văn Tiến Dũng trong Đại thắng Mùa Xuân năm 1975
Chủ nhật, 30/04/2017 | 18:46:00 [GMT +7] AA
Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được cử làm Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1975, nhằm tăng cường sự lãnh đạo và chỉ huy cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định cử Đoàn đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ở chiến trường miền Nam (mang mật danh A75), do Đại tướng Văn Tiến Dũng-Tổng Tham mưu trưởng chỉ huy.
Trước ngày đoàn lên đường, Đại tướng Văn Tiến Dũng họp bàn về cách đánh trong Chiến dịch Tây Nguyên với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, tất cả đều thống nhất: Đòn tiến công chiến lược đầu tiên phải tranh thủ bất ngờ, tập trung cao độ giải quyết Buôn Ma Thuột, bảo đảm chắc thắng trận đầu; tiếp đó, nhanh chóng phát huy thắng lợi, tiến công liên tục, giải phóng và giữ cho được những địa bàn chiến lược quan trọng ở Tây Nguyên.
Đồng chí Văn Tiến Dũng (ngồi ngoài cùng, bên trái) và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh tư liệu
Ngay khi vừa đến Sở Chỉ huy của cơ quan đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đặt ở tây thị xã Buôn Ma Thuột, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã công bố quyết định thành lập Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên và bàn bạc kế hoạch tác chiến. Rút kinh nghiệm những chiến dịch trước đây và xuất phát từ yêu cầu chiến lược mới của giai đoạn kết thúc chiến tranh, căn cứ vào điều kiện chiến trường, vào thế và lực của ta, sau một quá trình bàn bạc, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ tư lệnh Chiến dịch xác định phương án tác chiến trong Chiến dịch Tây Nguyên:
Sử dụng lực lượng tương đối lớn (cỡ trung đoàn, sư đoàn) để cắt các đường giao thông (14, 19, 21), tạo ra thế chia cắt địch về chiến lược, tách Tây Nguyên với đồng bằng ven biển; phải cô lập Buôn Ma Thuột với Pleiku, Pleiku với Kon Tum; đồng thời, tích cực hoạt động nghi binh, giam chân địch, thu hút sự chú ý và lôi kéo lực lượng của chúng về phía bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện cho ta có thể giữ bí mật bất ngờ ở phía nam cho đến khi nổ súng đánh Buôn Ma Thuột.
Tổ chức thực hiện chắc thắng trận then chốt mở đầu chiến dịch, đánh chiếm Buôn Ma Thuột bằng cách tổ chức lực lượng đột kích binh chủng hợp thành tương đối mạnh cỡ trung đoàn; tập kích từ xa vận động đến, bỏ qua các mục tiêu địch bảo vệ vòng ngoài, bất ngờ thọc sâu vào bên trong thị xã phối hợp với các đơn vị đặc công và bộ binh bí mật bố trí sẵn từ trước, nhanh chóng tiêu diệt ngay các mục tiêu chỉ huy đầu não và vị trí xung yếu, đánh chiếm vững chắc các bàn đạp bên trong xong rồi mới từ trong thị xã đánh ra ngoài tiêu diệt những cứ điểm cô lập đã mất chỉ huy. Trong quá trình đó, ta phải nhanh chóng hình thành ngay một lực lượng dự bị binh chủng hợp thành mạnh, sẵn sàng đánh bại các cuộc phản kích của địch hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột”.
Ngày 25/2/1975, sau khi thông qua quyết tâm, Đại tướng Văn Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo làm rõ thêm một số vấn đề về cách đánh hiệp đồng quân binh chủng vào một thị xã lớn; các nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết tốt sau khi giải phóng thị xã: Một là, đánh vào thị xã lớn bằng lực lượng lớn thì phải tổ chức hiệp đồng binh chủng như thế nào, nhất là khi tổ chức các đột kích binh chủng hợp thành mạnh đánh thẳng vào trung tâm thị xã rồi mới phát triển trở ra tiêu diệt địch ngoài thị xã. Đây là một cách đánh sáng tạo, tiết kiệm thời gian, nhanh chóng tiêu diệt địch và giải phóng một thị xã lớn, thể hiện tư tưởng và tinh thần tích cực tiến công của quân đội cách mạng. Hai là, bộ đội vào thị xã phải có thái độ, tác phong đúng, phải chấp hành nghiêm chính sách và kỷ luật quân đội, giúp đỡ cấp ủy địa phương xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở, tranh thủ lòng dân và mau chóng giúp dân ổn định đời sống sau giải phóng. Ba là, phải tổ chức quân quản, tổ chức bảo vệ hệ thống kho tàng, xí nghiệp, các cơ sở công nghiệp của tư sản… và đưa các cơ sở này hoạt động trở lại. Xử lý, trưng dụng tài sản công tư, tài sản của tư sản phải đúng chính sách. Bốn là, vận dụng kinh nghiệm trong Chiến dịch đường số 14 – Phước Long, sau khi giải phóng có thể sử dụng ngay tù binh, nhất là lính các binh chủng pháo binh, lính lái xe hơi, xe tăng, xe bọc thép, xe công trình sửa đường… Cuối cùng là phải hết sức giữ bí mật và rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị.
Trước khi thực hành chiến dịch, Đại tướng chỉ đạo các đơn vị nghi binh đánh mạnh hơn nữa theo kiểu “đánh trận như dân gian đánh một la mười”, làm cho đối phương càng lún sâu vào những nhận định sai lầm. Ngày 4/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Theo dõi sát mọi động thái đối phó của địch, được Đại tướng Văn Tiến Dũng chấp thuận, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm: Đánh thị xã Buôn Ma Thuột theo phương án địch không phòng ngự dự phòng. Ngày 10/3/1975, ta nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột; tiếp đó đập tan cuộc phản kích của Sư đoàn 23 địch. Bị thất bại và uy hiếp nặng nề, địch rút khỏi Kon Tum, Pleiku, theo đường số 7 về đồng bằng ven biển. Ta kịp thời truy kích, tiêu diệt và bắt sống gần hết quân địch rút chạy. Chiến thắng trong Chiến dịch Tây Nguyên đã làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành cuộc Tổng tiến công trên toàn miền Nam.
Sau những thắng lợi tạo tiền đề vững chắc của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch giải phóng Trị Thiên-Huế và Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, thời cơ để ta mở Tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn-Gia Định đã chín muồi. Bộ Chính trị đã thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, sau đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được cử làm Tư lệnh chiến dịch.
Quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định: Đây là đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để và nhanh chóng. Vì thế, cần phải tập trung lực lượng và binh khí kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo thành ưu thế áp đảo nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch còn lại, đập tan quân đội và bộ máy chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến cơ sở, giải phóng Sài Gòn, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Quá trình thực hành chiến dịch, cần kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy của quần chúng, nhưng tiến công quân sự phải đi trước một bước, giữ vai trò quyết định. Khi địch không còn bất ngờ về địa điểm, về thời gian thì ta sẽ tạo bất ngờ bằng lực lượng áp đảo, bằng cách đánh rất táo bạo, có táo bạo mới tạo bất ngờ. Vì thời gian còn quá ít, mùa mưa đang đến gần, diễn biến chiến trường chuyển động nhanh quá, có rất nhiều vấn đề không chỉ đơn thuần là quân sự mà có quan hệ đến nhiều mặt chính trị, ngoại giao… cho nên việc thảo luận và xác định quyết tâm đánh Sài Gòn là quá trình lao động trí óc căng thẳng của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Hai vấn đề nổi bật nhất của toàn bộ kế hoạch giải phóng Sài Gòn là cách đánh và mục tiêu phải đánh.
Trước khi ra quyết định, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trăn trở rất nhiều: Đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ cả chế độ phản động, đập tan cả hệ thống tổ chức quân đội và chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến cơ sở, phá tan bộ máy chiến tranh…, nhưng lại phải đánh như thế nào để thành phố ít bị tàn phá nhất, giải phóng được mấy triệu đồng bào mà không làm cho nhân dân bị thiệt hại nhiều về tính mạng, tài sản và bảo đảm cuộc sống nhanh trở lại bình thường.
Để giải quyết vấn đề này, Đại tướng cùng tập thể Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phân tích vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện, cụ thể, tìm ra phương án tối ưu nhất, chọn ra 5 mục tiêu “trọng huyệt” của địch để nhanh chóng chiếm lĩnh trong thời gian ngắn nhất.
Trên cơ sở thế trận và lực lượng áp đảo, Đại tướng cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch đi tới nhất trí về cách đánh của chiến dịch, đó là: “Dùng một lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch không cho chúng rút chạy hoặc lùi dồn về Sài Gòn. Tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu chủ yếu đã được chọn lựa trong nội thành: Bộ Tổng tham mưu ngụy, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và Dinh Độc Lập”. Các lực lượng đặc công, các đội biệt động, các lực lượng an ninh vũ trang và tự vệ thành phố, các lực lượng chính trị của quần chúng ở Sài Gòn – Gia Định sẽ đánh chiếm trước các cầu qua sông, làm bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến quân, dẫn đường cho các đơn vị, trừ gian và phát động quần chúng nổi dậy. Bộ Chỉ huy chiến dịch cũng xây dựng một kế hoạch nổi dậy của quần chúng để phối hợp chặt chẽ với tiến công quân sự. Lực lượng chủ lực tiến công hình thành 5 cánh, mỗi cánh tương đương 1 quân đoàn, do những tướng lĩnh có tài chỉ huy. Các mũi, các cánh sau khi đánh chiếm các mục tiêu và khu vực được phân công phải nhanh chóng đến hợp điểm ở Dinh Độc Lập.
Diễn biến trận quyết chiến chiến lược đã diễn ra gần đúng như đáp án của Đại tướng Văn Tiến Dũng, các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm thành công các mục tiêu. 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ tổng thống Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử./.
Theo Trung tướng VÕ MINH LƯƠNG, Tư lệnh Quân khu 7/Quân đội Nhân dân
Ý kiến ()