Tất cả chuyên mục

Là một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của Tết cổ truyền dân tộc, mứt Tết không chỉ là món ăn chơi mà ấp ủ trong hương vị thơm ngon dân dã đó là mong muốn một năm mới mọi điều viên mãn và may mắn.
Làm mứt ở Chùa Pháp Vân
Đây là năm thứ 3 chùa Pháp Vân, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc tổ chức làm mứt Tết. Đặc biệt, mứt ở đây được làm hoàn toàn thủ công, đúng theo cách thức truyền thống của ông bà ta từ xưa nên mứt rất ngon, giữ nguyên vẹn hương vị đặc trưng của từng loại củ, quả. “Mứt ở chùa thì không có cho chất tạo màu, chất bảo quản vào đâu. Chỉ là do mình phơi đủ nắng là nó lên màu và nó giữ được hương vị của trái cây như vậy. Như cái mứt ổi nè, nó vẫn còn cái hương vị ổi, rất thơm, rất ngon. Cũng là mứt thôi nhưng cách làm tự nhiên ở chùa thì nó hợp vệ sinh, không hóa chất, không phẩm màu nên nó bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng” – Đại đức Thích Huệ Lực Trụ trì chùa Pháp Vân, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc cho biết như vậy.
Đại đức Thích Huệ Lực Trụ trì chùa Pháp Vân, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc tự tay chế biến các món mứt
Ngoài những loại mứt quen thuộc như mứt gừng, mứt me, mứt dừa…mọi người còn thử sức và thành công khi “biến hóa” nhiều loại trái cây, rau củ đặc trưng của miền Nam thành các loại mứt đầy màu sắc như: mứt ổi, cà chua, đu đủ,… Việc làm mứt Tết ở chùa Pháp Vân khởi động từ rất sớm, khoảng cuối tháng 10 âm lịch. Mỗi năm, nhà chùa dùng gần 2 tấn nguyên liệu tươi để làm mứt Tết nhưng vẫn không đủ cung cấp cho phật tử.
Năm nay chùa làm mứt mười mấy loại trái cây khác nhau
Đại đức Thích Huệ Lực cho biết thêm: “Mứt trái cây thì thường không để được lâu, ở đây lại không dùng chất bảo quản nữa nên chùa sẽ chọn những loại nào để được tương đối lâu sẽ làm trước, những trái cây nào không để được lâu thì sẽ làm sau, nghĩa là đến cận Tết mới làm hay là có ai đặt hàng mới làm. Riêng Tết năm nay chùa chọn đến mười mấy loại trái cây để làm mứt”.
Phơi đủ nắng tự thân trái cây sẽ lên màu đẹp và giữ được hương vị trái cây
Có những loại mứt từ khi chọn nguyên liệu đến khi thành phẩm phải mất đến cả tuần, có những loại mứt phải phơi đến 3-4 nắng, có loại lại phải trải qua hai lần lửa. Tuy nhiên cách chế biến đều có nét tương đồng và khá giản đơn, không hề cầu kỳ, kiểu cách nên mọi gia đình đều có thể tự tay làm nên khay mứt riêng của riêng mình.
Chị Kim Chi (bên phải)
Chị Đoàn Thị Chi, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, người thường xuyên đến chùa phụ làm mứt và đã tỏ ra rất ham thích công việc này. Chị Chi dự định: “Chắc một thời gian nữa khi tôi học hỏi được cách làm mứt truyền thống ở chùa xong tôi sẽ tự làm cho gia đình mình. Chứ mình đây có biết làm. Nghe nói ông bà, cha mẹ mình ngày xưa những ngày Tết là tự làm mứt nhưng đến lớp của tụi mình thì không còn biết làm nữa”.
Mứt Tết không chỉ là món ăn chơi mà ấp ủ trong hương vị thơm ngon dân dã đó là mong muốn một năm mới mọi điều viên mãn và may mắn
Mứt là một trong những món ăn linh hồn của Tết cổ truyền dân tộc. Sự ngọt ngào của đường sên với những thứ nguyên liệu tươi ngon tạo nên hương vị ngọt, bùi, chua, cay của các loại mứt Tết. Hình ảnh quyện với mùi hương của những món mứt truyền thống giản dị khiến chúng ta cảm nhận Tết đang đến rất gần./
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()