Tất cả chuyên mục
![](https://media.la34.com.vn/upload/files/logo/Logo_LA34.svg.png)
Nhờ có nghề đan thùng tim bằng dây nhựa, mấy năm nay, nhiều lao động ở xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức có thêm công ăn, việc làm, thu nhập ổn định.
Chị Lê Thạch Linh ngụ ấp 3 xã Thạnh Lợi là người tiên phong mang nghề này về xã. Năm 2016, qua lời giới thiệu của bạn bè Chị Linh lặn lội lên Tp. HCM để học nghề đan. Sau khi học xong, chị nhận hàng gia công từ các cơ sở đan có uy tín tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh về gia công và phân phối lại cho các chị em trong xã cùng làm. Nghề đan thùng nhựa khá đơn giản và tiện ích. Sau 1 đến 2 ngày học, chị em có thể nhận hàng (dây nhựa, khung thùng) về nhà đan gia công, công việc không nặng nhọc, lại còn quản lý được nhà cửa, con cái. Giá đan thùng tim từ 20.000 – 22.000 đồng/chiếc. Người đan giỏi có thể đan 5 chiếc/ngày. Thường thu nhập bình quân từ 1,5 – 2 triệu đồng/người/tháng. Tùy theo hoàn cảnh gia đình, người ta có thể xem đây là nghề chính hay phụ. Nghề đan thùng bằng dây nhựa này không chỉ có nữ mà nam cũng tham gia, người lớn tuổi hay trẻ em đều làm được.
Với số lượng hàng nhiều và có đầu ra ổn định, nên chị em luôn luôn có việc làm và thu nhập từ đó cũng tăng lên đáng kể. Hộ bà Thạch Thun và ông Lê Thành Nhơn ngụ cùng ấp 3 năm nay đã gần 70 tuổi, do tuổi cao nên ông bà chỉ quanh quẩn ở nhà, thấy công việc đan thùng nầy vừa nhẹ nhàng, lại không đòi hỏi kỹ thuật nhiều nên ông bà nhận về nhà làm. Bình quân một ngày ông bà đan được 2 đến 3 sản phẩm, thu nhập khoảng 60.000 đồng. Tuy không nhiều nhưng số tiền trên đã giúp cho ông bà có thêm chi phí sinh hoạt.
Hiện nay, mô hình Tổ đan thùng tim bằng dây nhựa đã được nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Có thể thấy, cùng với nhiều mô hình như: may gia công túi xách, gang tay, … mô hình đan thùng hiện đang giúp nhiều lao động nông thôn tại xã Thạnh Lợi có điều kiện phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định./.
Việt Hằng
Ý kiến ()