Thứ Bảy, 18/01/2025 07:25 (GMT +7)

Đánh giá đúng hiệu quả các dự án BOT giao thông

Thứ 2, 05/06/2017 | 09:51:00 [GMT +7] A  A

Không ít dự án BOT giao thông (Xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) khi đưa vào khai thác bị thua lỗ nặng, do thu phí không đủ trả lãi ngân hàng như: Cầu Hạc Trì, Quốc lộ (QL)6 Hòa Lạc – Hòa Bình, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng…, nhưng cũng nhiều dự án phát huy hiệu quả khai thác, được người dân đồng thuận. Do đó, cần có đánh giá đúng về các dự án BOT.

Hàng loạt dự án BOT thua lỗ nặng

Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có thể nói là tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, nhưng nhà đầu tư Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) đang phải loay hoay bài toán tài chính, bởi tiền lãi bình quân mỗi ngày phải ngân hàng trả lên tới 8 tỷ đồng, trong khi thu phí chỉ đạt 5,5 tỷ đồng/ngày, lỗ hơn 2,5 tỷ đồng/ngày.

Dự án BOT cầu Rạch Miễu phải điều chỉnh giảm thời gian thu phí hoàn vốn. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc VIDIFI, để đảm bảo phương án tài chính, VIDIFI còn được phép thu phí cả tuyến QL5 để hoàn vốn. Tuy nhiên, VIDIFI vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí hỗ trợ của Nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) 3.699 tỷ đồng và việc tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD chưa được thực hiện, khiến phương án tài chính của dự án đứng trước nguy cơ bị phá vỡ, thậm chí vỡ nợ…

Nhà đầu tư hai dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ) và cầu Mỹ Lợi (QL50) cũng đang phải đối mặt thua lỗ, khi thu phí chỉ đạt hơn nửa so với phương án tài chính. Để hoàn vốn cầu Hạc Trì (Phú Thọ), từ ngày 7/12/2015 nhà đầu tư bắt đầu thu phí với thời gian dự kiến 18 năm 6 ngày. Tuy nhiên, do không lường trước rủi ro, do lưu lượng phương tiện thấp, nên doanh thu thu phí chỉ đạt hơn nửa so với phương án tài chính ban đầu.

Ông Vũ Văn Mạnh, Giám đốc điều hành dự án BOT cầu Hạc Trì cho biết, theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT, doanh thu năm 2016 của dự án phải đạt ít nhất 138 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt gần 90 tỷ đồng, khoảng 65%. Chỉ tính riêng năm 2016, nhà đầu tư đã bị lỗ gần 50 tỷ đồng. Còn nhà đầu tư BOT cầu Mỹ Lợi trên tuyến QL50 nối hai tỉnh Tiền Giang và Long An (Công ty CP Bê tông 620 Long An) hiện mỗi tháng phải bù lỗ 3 tỷ đồng trả lãi vay. …

Nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, đối với các dự án BOT, thời gian hoàn vốn càng kéo dài, nhà đầu tư càng chịu nhiều rủi ro và thiệt hại lớn. Các dự án thu lỗ nêu trên là bài học rất nặng nề đối với các nhà đầu tư đang có ý định làm BOT.

Trong khi đó, dự án BOT đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai đang được các chuyên gia đánh giá tốt nhất Việt Nam hiện nay. Dự án bắt đầu từ đoạn từ Pleiku đi Cầu 110, giáp tỉnh Đăk Lăk, dài gần 90 km, do Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư. Hiện nay, nhà đầu tư đang thu phí tại 2 trạm tại Km 1610 800 và Km 1667 470, thời hạn thu phí là 20 năm 4 tháng. “Tuyến đường đáp ứng được yêu cầu giao thông, giao thương, với chất lượng tốt, thời gian di chuyển rút ngắn. Vị trí đặt trạm thu phí hợp lý, ít ảnh hưởng tới người dân…”, số đông người dân địa phương chia sẻ.

Đã có 13 dự án BOT giảm hơn 92 năm thu phí

Bộ GTVT vừa điều chỉnh giảm thời gian thu phí 92 năm 3 tháng của 13 dự án và điều chỉnh tăng thời gian thu phí 24 năm 5 tháng của 4 dự án BOT khác.

Dự án BOT tuyến Quốc lộ 51 nối tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Các dự án điều chỉnh giảm, gồm: Tăng cường mặt đường quốc lộ 1 (QL1) đoan Phan Thiết – Đồng Nai; QL10 đoạn cầu Tân Đệ đến cầu La Uyên Km92 900 – Km98 400; cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu; BOT QL51; cầu Rạch Miễu; đường Hồ Chí Minh đoạn Km1793 600 – Km1824 00 (Đắk Nông); QL1 đoạn tuyến tránh TP Vinh (Nghệ An); cải tạo, nâng cấp QLK1; mở rộng QL1 đoạn Km1062 – Km1092 (Quảng Ngãi) và tuyến tránh Đức Phổ; Thành phần 1 – dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên, QL60 (Trà Vinh và Bến Tre); QL1 đoạn tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai); QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa; hầm đường bộ qua Đèo Ngang.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư – PPP (Bộ GTVT), việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí các dự án so với hợp đồng BOT chủ yếu do giá trị thỏa thuận (phê duyệt) quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu và sự biến động của lưu lượng xe hiện nay.

Qua tìm hiểu, Bộ GTVT đã rà soát các dự án BOT theo đúng các trình tự thủ tục quy định của pháp luật và hợp đồng BOT trên nguyên tắc có kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra, sau đó lấy giá trị cuối cùng để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí. Trong quá trình khai thác, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại doanh thu, lưu lượng xe làm căn cứ để điều chỉnh từng hợp đồng BOT cho đến hết vòng đời dự án. Do vậy, việc giảm thời gian thu phí so với dự toán ban đầu là chuyện minh bạch.

Sau quyết toán, Bộ GTVT cũng có quyết định 4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí, gồm: Cầu Mỹ Lợi, QL50; cầu Yên Lệnh, QL38; QL18 đoạn Uông Bí – Hạ Long; QL1 đoạn Nam Bến Thủy – TP Hà Tĩnh. Nguyên nhân phải kéo dài thời gian thu phí 4 dự án này là do lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo và doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT. Đây là rủi ro mà các nhà đầu tư cần cân nhắc đánh giá trước khi ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trên thực tế, hầu hết các nhà đầu tư đều chung ý kiến, với những tuyến đường BOT làm mới, việc dự báo lưu lượng không chính xác là điều không tránh khỏi, Nhà nước phải có cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng phải được các địa phương đi trước một bước, bởi mặt bằng kéo dài, tiến độ dự án bị chậm, sẽ làm tăng thêm chi phí lãi vay và việc thu hồi vốn cho dự án sẽ bị chậm.

Đăng Sơn/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu