Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 05:21 (GMT +7)
Đánh giá lại quy mô GDP: Phản ánh xác thực năng lực nền kinh tế
Thứ 3, 17/09/2019 | 14:50:00 [GMT +7] A A
Sau khi Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo thông lệ quốc tế, quy mô GDP giai đoạn 2010 – 2017 bình quân mỗi năm tăng 25,4%.
Tổng Cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Đây là căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng đề xuất, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Trong giai đoạn 2010 – 2017, quy mô GDP đã tăng thêm 25,4%/năm khi đánh giá và tính toán lại. Lý do nào dẫn đến thay đổi này, thưa ông?
GDP của Việt Nam bình quân trong 8 năm vừa qua khi đánh giá lại đã tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố; trong đó, có năm GDP tăng cao hơn con số này, có năm tăng thấp hơn. Đây là kết quả của quá trình tính toán chi tiết đối với 88 ngành cấp 2 trong gần 1 năm.
Theo đó, có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến thay đổi của quy mô GDP (trong đó có 4 nhóm làm tăng quy mô GDP). Đó là việc bổ sung thông tin từ tổng điều tra; bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 và rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Chỉ duy nhất nhóm cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước đã làm quy mô GDP theo giá hiện hành giảm.
Tôi có thể nói cụ thể hơn, khi chúng tôi rà soát bổ sung nguồn thông tin từ tổng điều tra, trong dãy số liệu đánh giá lại GDP giai đoạn 2010 – 2017, con số bổ sung thêm là 76.000 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp này, đa phần là số lượng doanh nghiệp bổ sung thêm từ kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và từ hồ sơ hành chính của Tổng cục Thuế.
Các doanh nghiệp này nằm ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; trong đó, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ (chiếm khoảng 70%). Bên cạnh đó, trong quá trình rà soát, đánh giá lại quy mô GDP lần này, ngành Thống kê cũng thu thập được số liệu của 136 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Thưa ông, vậy vì sao chúng ta lại để sót một lượng lớn doanh nghiệp trong những lần thống kê trước?
Câu chuyện này có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Điều tra thống kê là hình thức thu thập chủ yếu của ngành Thống kê. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực nên hàng năm chúng tôi chỉ có thể tổ chức điều tra chọn mẫu trong các cuộc điều tra hàng năm và cứ 5 năm mới tổ chức tổng điều tra toàn bộ một lần nên dẫn đến hiện tượng bỏ sót số liệu. Về góc độ sử dụng dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin thống kê cũng có những bất cập về số liệu.
Trước đây, khi chưa có sự chia sẻ số liệu giữa 3 cơ quan: Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê, số liệu về số lượng doanh nghiệp có sự vênh nhau khá lớn do mỗi cơ quan có chức năng thu thập số liệu doanh nghiệp phục vụ cho các mục đích và theo các tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn, trong khi cơ quan đăng ký kinh doanh có được số liệu về số lượng doanh nghiệp được thành lập; cơ quan thuế thống kê số lượng doanh nghiệp thực tế phải nộp thuế thì cơ quan thống kê lại nắm số liệu doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, gần đây giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê đã có sự hợp tác, chia sẻ số liệu nên số liệu về doanh nghiệp đã được cập nhật, bổ sung.
Hơn nữa, với một nền kinh tế phát triển nhanh và năng động như hiện nay, Tổng cục Thống kê cũng chưa cập nhật kịp thời tình hình thực tế của doanh nghiệp. Vì thế, qua việc chia sẻ dữ liệu vi mô với cơ quan thuế, Tổng cục Thống kê đã tiến hành rà soát lại danh sách doanh nghiệp mà cơ quan thống kê không thu được số liệu đầy đủ trong thời gian qua.
Kết quả thu thập số liệu của Tổng cục Thống kê trong tổng điều tra và cơ quan thuế có vênh nhau không, thưa ông?
Có sự chênh lệch, chẳng hạn về chỉ tiêu doanh thu. Doanh thu của doanh nghiệp được Tổng cục Thuế ghi nhận dựa vào quyết toán thuế, trong khi Tổng cục Thống kê ghi nhận từ thông tin doanh nghiệp cung cấp khi điều tra. Trước đây, phần lớn các doanh nghiệp có từ 2 – 3 loại quyết toán, 1 loại nộp cơ quan thuế, 1 loại nộp cơ quan thống kê và 1 loại nộp Bộ chủ quản.
Vì vậy, số liệu về doanh nghiệp mà 2 cơ quan có được sẽ được đối chiếu, xem xét xem số liệu nào đáng tin cậy. Đơn cử như nếu số liệu của Tổng cục Thống kê xác thực hơn, thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh số liệu theo cơ quan thống kê và ngược lại. Việc điều chỉnh này dựa trên dãy số liệu năm, xu hướng tình hình sản xuất kinh doanh. Nếu số liệu doanh nghiệp có sự khác biệt, đột biến, chúng tôi sẽ phát hiện ra số liệu nào là xác thực, từ đó góp phần vào việc đánh giá lại quy mô GDP.
Thưa ông, có thể nói việc thu thập thông tin trong những lần trước còn hạn chế, vậy đó là những hạn chế và bất cập gì?
Không chỉ cơ quan thống kê Việt Nam mà cơ quan thống kê các nước trên thế giới đều thực hiện điều tra chọn mẫu trong các cuộc điều tra hàng năm bởi nguồn kinh phí thực hiện tổng điều tra là quá lớn.
Theo đó, trong tổng số 560.000 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trong nền kinh tế, Tổng cục Thống kê sẽ phân theo từng ngành, từng quy mô doanh nghiệp (doanh thu từ thấp tới cao) để tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên để suy rộng ra từng ngành kinh tế.
Chẳng hạn 35.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm được xếp theo độ dốc doanh thu như vậy, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành lựa chọn những doanh nghiệp có tổng số doanh thu chiếm trên 75% doanh thu toàn ngành (mức doanh thu đủ bao quát ngành đó). Giả sử có khoảng 3.000/35.000 doanh nghiệp chiếm trên 75% doanh thu của toàn ngành thì Tổng cục Thống kê chọn mẫu chỉ điều tra 3.000 doanh nghiệp này. Những doanh nghiệp không được điều tra sẽ được suy rộng ra theo xu hướng sản xuất của những doanh nghiệp kia. Đây là cách làm mà Tổng cục Thống kê làm theo quy định của quốc tế và được quốc tế ghi nhận.
Việc điều tra chọn mẫu còn bất cập là không phản ánh được chính xác quy mô của nền kinh tế. Theo đó, có 3 nguyên nhân dẫn tới điều này, gồm: ngành thống kê không cập nhật được đầy đủ số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động; doanh nghiệp được điều tra cung cấp thông tin không đúng với tình hình thực tế và điều tra viên thống kê chưa làm hết nhiệm vụ của mình.
Ông lý giải thế nào về việc chọn thời điểm này để công bố thông tin đánh giá lại quy mô GDP ?
Theo thông lệ thống kê quốc tế, khi có nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện từ các cuộc tổng điều tra, từ hồ sơ hành chính các cơ quan thống kê quốc gia thì sẽ thực hiện đánh giá lại quy mô GDP.
Tôi cũng nhấn mạnh rằng, đây không phải lần đầu tiên ngành Thống kê đánh giá lại GDP. Cụ thể, năm 2013, chúng tôi đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2008 – 2012; trong đó tập trung vào việc đánh giá lại một số lĩnh vực gồm: ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản.
Việc đánh giá lại quy mô GDP lúc này là đúng thời điểm nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế. Đặc biệt, tính đến yêu cầu phục vụ công tác xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Qua đó, giúp các cấp thẩm quyền đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước.
Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như: Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italy, Indonesia… đã tiến hành điều chỉnh, công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan.
Theo ông, việc đánh giá lại GDP sẽ đem lại những góc nhìn như thế thế nào về “năng lực” của nền kinh tế?
Khi số liệu đánh giá lại quy mô GDP được công bố, chỉ đơn thuần là ngành Thống kê cung cấp cho xã hội và những cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học và công chúng số liệu xác thực hơn để có thể thấy rõ đất nước đang đứng ở đâu trên bản đồ phát triển kinh tế thế giới.
Kết quả đánh giá lại quy mô GDP tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức là quốc gia có thu nhập trung bình cao.
GDP được đánh giá lại cho phép tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan được xác thực hơn; đồng thời phản ánh xác thực hơn chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng chính là những căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng đề xuất, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.
Tuy nhiên, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020.
Xin cám ơn ông!
Ý kiến ()