Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 31/12/2024 02:34 (GMT +7)
Đánh thức tiềm năng khu du lịch sinh thái biển Tân Thành
Thứ 6, 06/01/2017 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Là một trong những bãi biển đẹp nổi tiếng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sau nhiều năm quy hoạch, bãi biển Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) vẫn mang trong mình nét hoang sơ, hạ tầng và dịch vụ du lịch nghèo nàn nên không thu hút được du khách.
Cách đây 13 năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang quyết định giao cho huyện Gò Công Đông cơ chế quản lý và làm chủ đầu tư các dự án phát triển du lịch biển Tân Thành. Đầu năm 2007, tỉnh phê duyệt quy hoạch Khu du lịch sinh thái Hàng Dương – Tân Thành với quy mô hơn 80 ha. Thế nhưng, sau hơn 10 năm, chủ trương phát triển du lịch ở đây vẫn nằm “trên giấy”, bãi biển Tân Thành vẫn hoang sơ và nhếch nhác, không thu hút được du khách.
Bãi biển Tân Thành vẫn không thu hút được du khách. Ảnh: Nam Thái/TTXVN. |
Đến Khu du lịch biển Tân Thành giờ đây ngoài chiếc cầu tàu dài chừng 300m từ bờ ra biển, một đoạn bờ kè dài chưa tới 1km được khánh thành từ năm 2007, các “công trình” còn lại là dãy nhà hàng mái lá của Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vạn Bình An. Du khách đến đây chẳng thể tìm ra được dịch vụ gì để vui chơi, giải trí, khu bán hàng lưu niệm của địa phương cũng không có.
Tại khu du lịch biển Tân Thành, công trình “hoành tráng” nhất là chiếc cầu tàu ra biển. Tuy nhiên, do sử dụng nhiều năm và không được đầu tư, tôn tạo nên cầu tàu đã xuống cấp. Bên dưới cầu tàu đã xuất hiện nhiều vết nứt trên bê tông, sắt trơ ra ngoài. Điều đáng nói là dọc theo bãi biển, rác thải vương vãi khắp nơi, không được các đơn vị kinh doanh du lịch thu gom, dọn dẹp. Do ảnh hưởng của sóng biển, hiện một đoạn bờ kè trên bãi biển đã bị sạt lở, sụt lún từ lâu nhưng chưa được ngành chức năng khắc phục, càng tạo thêm sự nhếch nhác ở khu du lịch biển này.
Hạ tầng xuống cấp, rác thải tràn lan, các dịch vụ du lịch nghèo nàn… nên dễ hiểu vì sao thời gian qua, khu du lịch biển Tân Thành trở nên vắng khách và không “níu chân” được du khách. Nhiều du khách bày tỏ sự thất vọng khi đến với khu du lịch biển Tân Thành và sau đó là một đi không trở lại. Nhiều du khách đến đây bực mình vì sự hoành hành của đội ngũ cò du dịch. Khi xe chở khách vừa tới cổng Khu du lịch biển Tân Thành, thì ngay lập tức xuất hiện một nhóm khoảng 4 – 5 thanh niên đuổi theo chèo kéo.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tấn Phong thừa nhận: Hoạt động du lịch ở biển Tân Thành còn những mặt hạn chế, như cơ sở hạ tầng du lịch chưa được đầu tư phát triển, sản phẩm du lịch thì đơn điệu. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế làm ảnh hưởng đến du lịch Tân Thành, như vệ sinh môi trường chưa tốt, tình trạng cò mồi đôi lúc xảy ra, nhất là vào dịp lễ, tết.
Để phục vụ khách du lịch, hiện nay tỉnh Tiền Giang đã đầu tư phát triển 3 khu vực chủ yếu là cù lao Thới Sơn, chợ nổi Cái Bè và biển Tân Thành, Gò Công. Để đánh thức tiềm năng của khu du lịch biển Tân Thành, trong thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm vực dậy một trong những khu du lịch biển đẹp nổi tiếng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long này.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang sẽ làm việc với UBND huyện Gò Công Đông và các doanh nghiệp ở Tân Thành để chấn chỉnh lại hoạt động du lịch; tăng cường kiểm tra, hạn chế tình trạng cò mồi chèo kéo du khách; yêu cầu các doanh nghiệp thường xuyên thu gom rác thải vệ sinh môi trường để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, phục vụ khách du lịch đến tham quan biển Tân Thành ngày càng tăng.
Khu du lịch biển Tân Thành được thiên nhiên ban cho một bờ biển đẹp, một lợi thế để phát triển du lịch và khai thác tiềm năng kinh tế biển của địa phương. Tuy nhiên, để biến những tiềm năng sẵn có thành thế mạnh, Tiền Giang cần có những dự án đầu tư mang tính đột phá và một chiến lược phát triển du lịch có tính căn cơ, bền vững hơn, nhằm tạo sự chuyển mình cho vùng biển còn đậm chất hoang sơ, biến ngành “công nghiệp không khói” trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của huyện Gò Công Đông nói riêng và của tỉnh Tiền Giang nói chung trong thời gian tới.
Ý kiến ()