Chủ Nhật, 19/01/2025 13:34 (GMT +7)

Đầu năm cùng PGS Hà Đình Đức nói chuyện xây dựng đội ngũ lãnh đạo

Thứ 7, 28/01/2017 | 09:17:00 [GMT +7] A  A

PGS.TS Hà Đình Đức: Nước ta phải xây dựng được đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn và có tâm, làm việc gì cũng vì sự phát triển chung của đất nước…

Qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, nước ta đang tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước nhưng phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức…

Phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Hà Đình Đức, nhà nghiên cứu lịch sử và Hà Nội.

PV: Thưa ông, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã gặt hái được nhiều thành tựu và đang phải đối diện với những thách thức nào?

PGS.TS Hà Đình Đức: Từ những năm 1980 trở về trước, đất nước ta gặp rất nhiều thách thức trên con đường xây dựng kinh tế-xã hội, cuộc sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Cho đến Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12/1986, trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, nước ta đã tìm ra con đường đổi mới toàn diện cho sự phát triển.

Nhờ sự đổi mới, đất nước ta đã có nhiều khởi sắc như kiến trúc nhà ở, cầu cảng, đường phố ở nhiều tỉnh, thành phố được xây dựng nhiều, khang trang hơn.

Trước khi đổi mới đất nước, hàng tháng, nhiều gia đình vẫn chỉ được hưởng bao cấp thực phẩm thông qua phát tem phiếu thì sau năm 1986, Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân mở rộng phát triển kinh tế, nông nghiệp… Vì thế mà năng suất nông nghiệp đã tăng lên, các loại nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống của nhân dân ngày càng đa dạng…

Tuy nhiên, hiện nay, ở một số tỉnh thành phố, trong đó có thủ đô đang đối diện với bất cập về hệ thống giao thông, nhiều tuyến phố lại bị tắc nghẽn. Nguyên nhân là do khi thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị, nhà cao tầng, một số đơn vị chưa chú trọng đến gắn kết hệ thống chống tắc nghẽn giao thông…

Đơn cử như do sự mở rộng và phát triển thủ đô Hà Nội, nhiều chung cư phát triển kéo theo dân số cơ học ở thủ đô tăng nhanh nhưng nhiều khu vực chưa qua tâm xây dựng các dịch vụ đi kèm phục vụ đời sống nhân dân như: trường học, bệnh viện, chợ…

pho giao su ha dinh duc noi chuyen xay dung doi ngu lanh dao hinh 1
PGS.TS Hà Đình Đức trả lời phỏng vấn phóng viên báo Điện tử VOV

Nguồn nhân lực ở nước ta chưa đồng nhất

PV: Xin ông cho biết, giáo dục đào tạo, y tế, phát triển nguồn nhân lực gắn với sự nghiệp đổi mới đất nước đang gặp phải những bất cập nào?

PGS.TS Hà Đình Đức: Ở lĩnh vực giáo dục, từ chỗ chỉ có vài trường đại học thì đến nay nước ta hệ thống giáo dục đại học được mở rộng ở khắp các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, số lượng các trường đại học tăng nhanh đáng kể nhưng chất lượng lại không đảm bảo đã khiến nhân dân lo ngại.

Về lĩnh vực y tế, nhiều bệnh viện đã được trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Tuy nhiên, việc chú trọng khám chữa bệnh cho người dân ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa chưa được như mong muốn. Một số bệnh viện, phòng khám tư nhân mở ra vẫn còn hoạt động dưới hình thức kinh doanh là chính, chưa thực sự làm việc theo khẩu hiệu “lương y như từ mẫu”.

Nguồn nhân lực ở nước ta cho đến nay được đánh giá là chưa đồng nhất, một số nơi thừa nhưng nhiều nơi thiếu. Hiện nay, lực lượng lao động trẻ ở các khu vực nông thôn đều dư thừa và phải lên các tỉnh, thành phố làm việc nhưng trình độ, tay nghề của nhiều người chưa được đào tạo một cách bài bản nên chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Phải xây dựng được đội ngũ lãnh đạo thực sự có “tầm và tâm”

PV: Để vượt qua những thách thức trong quá trình đổi mới, đất nước ta cần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Hà Đình Đức: Để vượt qua những thách thức trong quá trình đổi mới đất nước, trước hết đất nước ta cần giữ vững nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Mỗi người dân phải biết kết hợp sức mạnh quân sự với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong việc giữ vững chủ quyền của đất nước.

Muốn thực hiện được bất cứ việc gì thì nước ta phải xây dựng được đội ngũ lãnh đạo có “tầm và có tâm”, làm việc gì cũng vì sự phát triển chung của đất nước chứ không phải là lãnh đạo theo kiểu tư duy nhiệm kỳ, làm việc theo nhóm lợi ích. Người lãnh đạo càng có địa vị cao thì càng phải biết giữ chữ “Tín”.

Để đất nước phát triển thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải đi đầu, làm gương trong việc chống lại tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Các vụ án tham nhũng lớn có liên quan đến cán bộ lãnh đạo phải được giải quyết tận gốc, công khai, minh bạch, chứ không nên giải quyết nửa chừng. Như vậy, chúng ta mới có được lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Nước ta đang trên con đường hội nhập với khu vực và thế giới nên chúng ta phải có tầm nhìn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả công nhân lao động chuyên nghiệp, lành nghề…

Trong phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta phải chú trọng đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, được đánh giá cao vào ứng dụng trong cuộc sống, phục vụ thiết thực cho đời sống nhân dân.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

VOV-VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu