Tất cả chuyên mục

Thời gian qua, bên cạnh cây rau, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Cần Đước, tỉnh Long An được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất và tăng lợi nhuận cho người nông dân, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.
Với diện tích hơn 6.000m2 mặt nước của ông Phan Văn Kiếu ngụ xã ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước bắt tay với vụ tôm đầu tiên vào năm 2015, đến nay ông Kiếu đã thả nuôi hơn 10 vụ. Nhờ ứng dụng khoa học – công nghệ để kiểm soát từ khâu làm ao, kỹ thuật nuôi, cho ăn đến quản lý môi trường nước, nên năng suất luôn đạt yêu cầu, sản lượng trung bình mỗi vụ đạt trên 11 tấn, với lợi nhuận trên 500 triệu đồng.
Ông Phan Văn Kiếu – Ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước cho biết : “Nếu mà chuyển thẳng qua công nghệ cao thì đòi hỏi mình có diện tích đất, làm 1 ao lắng tinh, 1 ao lắng thô, 1 ao nước sẵn sàng và 2 bể nuôi. Nếu mình ứng dụng công nghệ cao thì sản lượng mình đạt tỷ lệ cao hơn ao đất bạc bờ khoảng gấp đôi”.
Cần Đước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm
Thời gian qua, huyện Cần Đước đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nuôi tôm mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào việc thả nuôi con tôm. Trong đó, có mô hình trình diễn nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 3 giai đoạn gồm: 1 giai đoạn vèo trong 20 ngày và 2 giai đoạn nuôi thương phẩm 50 ngày/ 1 giai đoạn. Mô hình góp phần tăng tỷ lệ sống với hơn 90%, tiết kiệm chi phí đầu tư từ 20 – 25% so với cách thả nuôi trực tiếp truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Khải – Ấp Hòa Quới- xã Tân Chánh, huyện Cần Đước chia sẻ : “Nuôi 3 giai đoạn thì mức độ phát triển lúc đầu chậm hơn nhưng mà nó an toàn. Nếu mình không nuôi 3 giai đoạn trên mấy ao nuôi cũ, mà mình thả thì rủi ro sẽ cao hơn, còn nuôi 3 giai đoạn thì rủi ro nó thấp hơn. Còn vấn đề chất lượng thì cũng như nhau, nhưng chi phí 3 giai đoạn thì lại thấp hơn”
Việc nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã được huyện Cần Đước triển khai từ năm 2016, đến nay diện tích nuôi tôm toàn huyện vẫn giữ ổn định với khoảng 1.800 hecta, trong đó có trên 500 hecta thực hiện ứng dụng công nghệ cao, sản lượng trung bình mỗi năm đạt trên 3.200 tấn. So với các năm trước, những năm gần đây, việc nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã giúp tôm ít xảy ra các loại dịch bệnh và nông dân có lãi cao hơn.
Ông Nguyễn Hồng Chương – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cần Đước thông tin : “Phòng cũng đã phối hợp với Sở để xác định cái vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao theo Đề án 1181 của Tỉnh và trên diện tích đó chúng tôi đã khoanh vùng chủ yếu tập trung tại xã Tân Chánh. Ngành cũng đang đầu tư, tận dụng khai thác các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ vùng nuôi tôm, như: giao thông, điện, thủy lợi để điều kiện vùng nuôi được tốt hơn”
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có trên con tôm, trong thời gian tới huyện Cần Đước sẽ tập trung phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng chủ động thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, dựa trên ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng con tôm. Đồng thời, đầu tư phát triển toàn diện vào các khâu trong chuỗi sản phẩm giá trị cao, góp phần phát triển hiệu quả ngành công nghiệp nuôi tôm theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững.
Huỳnh Phong – Hùng Anh
Ý kiến ()