Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 10:22 (GMT +7)
Để hàng Việt ‘đi cao tốc’ vào EU
Thứ 6, 28/02/2020 | 10:32:00 [GMT +7] A A
Khi có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội, cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp cần có những bước chuẩn bị kỹ càng, “bắt tay” chặt chẽ để vượt qua nhiều rào cản phi thuế quan.
Cơ hội, thách thức đan xen
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ 2 ASEAN xuất sang Liên minh châu Âu (EU). Điều này chứng tỏ sau một thời gian hội nhập, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên. Tuy nhiên, khi Việt Nam thông thương với một trong những thị trường lớn và có năng lực cạnh tranh cao như EU, một số ngành kinh tế sẽ phải cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng. Ngoài ra, đây là thị trường có yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, đồng thời đòi hỏi về cả quy trình sản xuất hàng hóa, yêu cầu cao về xuất xứ…
Với việc EVFTA được thông qua, EU dành cho Việt Nam một hạn mức 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0%. Như vậy, xuất khẩu gạo vào EU có thể tăng gấp 4 lần. Ảnh: TTXVN.
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích: “Hiện nay, nguyên liệu sản xuất hàng hóa của chúng ta phần lớn là từ Trung Quốc và ASEAN, chứ không phải từ Việt Nam và EU. Làm sao đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ là điều đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua, đặc biệt đối với ngành dệt may, giày dép. Bên cạnh đó, hàng rào về kỹ thuật và quy định về vệ sinh dịch tễ của EU cũng rất cao mà không phải nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được. Cùng với đó là các biện pháp phòng vệ thương mại của EU rất nặng nề, vượt qua được không đơn giản”, ông Vũ Tiến Lộc phân tích.
Nông nghiệp là một trong những ngành được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội rộng lớn và toàn diện khi EVFTA có hiệu lực. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, EU là thị trường lớn với GDP đứng thứ 4 thế giới, lượng nhập khẩu nông sản khoảng 150 tỷ USD, trong khi ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang toàn cầu mới 40 tỷ USD, và xuất sang EU mới đạt 5 tỷ USD. Cho nên sẽ còn nhiều dư địa đưa hàng hóa của Việt Nam sang EU.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khi EVFTA có hiệu lực thì Việt Nam có nhiều cơ hội và kỳ vọng EVFTA sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam lên cỡ trên 1 tỷ USD vào EU, giúp tăng trưởng GDP trong nông nghiệp đạt cỡ 0,4 – 0,5 %. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành chuỗi liên kết nên rất khó quản lý.
Doanh nghiệp và chính quyền cần đồng lòng nỗ lực
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong thời gian qua việc xuất khẩu đi các thị trường trong Hiệp định EVFTA của doanh nghiệp có sự thay đổi theo hướng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi EU đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trước khi có Hiệp định. Đơn cử với thị trường Canada, nếu kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đi thị trường Canada năm 2018 chỉ rơi vào khoảng 935,2 triệu USD thì năm 2019 ước khoảng 1,15 tỷ USD, tăng trưởng 23,2%. Đây là mức tăng trưởng khá tốt trong khi trước năm 2018 mức tăng trưởng chỉ vào khoảng 10 – 13%.
“Việc nâng cao năng lực cạnh tranh ngành là việc làm cấp thiết để trở nên cạnh tranh hơn so với các nước cung ứng khác. Do đó, chúng tôi rất chú trọng vào công tác nâng cao năng suất bằng hướng áp dụng công nghệ tốt, hiện đại hơn, dần thay thế những máy móc thiết bị cũ không còn phù hợp…”, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Còn theo Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), ngành da giày Việt Nam giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu trên thế giới và là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, ngành da giày Việt Nam vẫn còn những điểm yếu tồn tại như: nguyên phụ liệu mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu khiến giá trị gia tăng đạt được không cao. Bên cạnh đó, đội ngũ thiết kế, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đủ đáp ứng…
Đề cập đến giải pháp cho vấn đề này, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho rằng cần phải xây dựng các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành. Các khu công nghiệp này phải có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Chính phủ tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp có công nghệ cao hỗ trợ ngành da giày. Bên cạnh đó, cũng cần có sự đồng bộ trong cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu; tăng chất lượng nguồn nhân lực trong nước…
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để tận dụng EVFTA, việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là quan trọng nhất. “Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải quay trở lại cải thiện môi trường kinh doanh và để làm được điều này, phải bắt đầu từ thể chế”.ông Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cho rằng, thể chế sẽ là chìa khóa cho mọi vấn đề. “Chúng ta mở đường cao tốc với EU thì phải mở cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp Sắp tới cần rà soát các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc ví von.
Ngoài ra, theo ông Lộc, doanh nghiệp phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, phải đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, có những chiến lược dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tạo dựng được nền tảng tương tác vững chắc với thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung trong bối cảnh mới.
Theo Thu Trang/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/kinh-te/de-hang-viet-di-cao-toc-vao-eu-20200227162229714.htm
Ý kiến ()