Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 12/01/2025 06:48 (GMT +7)
Đề nghị người dân phản ánh ngay nếu có tiêu cực trong công tác phòng chống dịch
Thứ 3, 26/09/2017 | 17:11:00 [GMT +7] A A
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn đang rất “nóng”, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đã có cuộc trao đổi với Báo Tin Tức về việc triển khai công tác phòng dịch trên địa bàn thành phố.
Hà Nội phun hóa chất diệt muỗi bằng máy công suất lớn vào ban đêm. Ảnh: Lê Phú |
Thưa ông, ông có nhận định gì về diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện nay và thời gian từ nay cho đến tháng 11/2017?
Sốt xuất huyết là dịch bệnh lưu hành tại Hà Nội. Năm 2009, Hà Nội ghi nhận trên 16.000 trường hợp mắc, năm 2015 ghi nhân trên 15.000 trường hợp mắc, các năm khác ghi nhận trung bình từ 6.000- 7.000 trường hợp mắc, đỉnh dịch thường vào tháng 9 và tháng 11. Năm 2017, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn và tăng nhanh trong các tháng 7 và tháng 8.
Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, dịch bệnh đã có xu hướng giảm. Trong 4 tuần vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm, tuần 37 giảm 369 trường hợp so với tuần 36 và giảm 1.613 trường hợp (giảm 45,2%) so với tuần 32, là tuần có số mắc cao điểm.
Tuy nhiên trước diễn biến thời tiết mưa nhiều, học sinh, sinh viên bước vào năm học mới, nếu không tiếp tục quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, thì dịch bệnh vẫn có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo điều tra của phóng viên báo Tin Tức, tại nhiều phường đang triển khai phun thuốc diệt muỗi không triệt để, nhiều nơi chỉ thực hiện phun tầng 1, phun theo hướng dẫn của người dân, thậm chí có nơi, người dân phải bồi dưỡng mới được phun triệt để các tầng khác của ngôi nhà… Vậy Hà Nội có biết thực trạng này không? Hà Nội đã giải quyết, xử lý tình trạng này như thế nào và sẽ có biện pháp gì ngăn chặn?
Hiện nay, việc phun hóa chất diệt muỗi trên địa bàn thành phố được triển khai đồng bộ và quyết liệt, số hộ được phun/số hộ cần phun hóa chất, trung bình đạt khoảng 85- 90%.
Tuy nhiên, tại một số nơi, việc phun hóa chất diệt muỗi chưa được triệt để, lý do người dân không đồng ý cho phun hoặc đi vắng, thậm chí chỉ cho phun tại tầng 1.
Có dư luận cho rằng người dân phải bồi dưỡng mới được phun triệt để các tầng khác của nhà. Trước thực trạng trên, thành phố đã yêu cầu các đơn vị trước khi phun phải có kế hoạch cụ thể về địa bàn, quy mô, thời gian, nhân lực… thông báo, tuyên truyền rộng rãi cho toàn thể người dân trong khu vực để phối hợp nhằm nâng cao tỷ lệ hộ gia đình được phun.
Thành phố đề nghị người dân phản ánh, báo ngay các hiện tượng tiêu cực của cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết với chính quyền, công an xã phường để xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn xác minh các thông tin kịp thời để xử lý (nếu có vi phạm).
Sau phun hóa chất vẫn rất nhiều muỗi, dư luận xã hội và nhiều bạn đọc nghi vấn về chất lượng hóa chất không đảm bảo hoặc muỗi đã kháng hóa chất và nhà nhà cũng tự mua thuốc về phun. Hà Nội có nhận định gì, giải pháp gì và có điều tra về vấn đề này không?
Việc phun hóa chất trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 3711/QĐ-BYT ngày 19/9/2014 của Bộ Y tế là phun không gian với hạt có kích thước cực nhỏ dưới 30 micro mét (phun ULV), đây là biện pháp để diệt đàn muỗi trưởng thành, nếu không chủ động diệt bọ gậy triệt để thì sẽ tiếp tục tạo ra đàn muỗi khác.
Vì vậy, trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, quan trọng nhất là triển khai các biện pháp như: Vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, phế liệu, đậy kín bể chứa nước, không để các chậu hoa, cây cảnh có chứa nước là nơi muỗi đẻ trứng và bọ gậy sinh sống… Người dân cần tránh muỗi đốt bằng cách: Ngủ màn, dùng kem xoa chống muỗi, hương xua muỗi…
Thuốc dùng để phun diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố hiện nay mà ngành Y tế sử dụng là loại Hantox 200 được Bộ Y tế cho phép và theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì loại thuốc này vẫn nhạy cảm với muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, chưa có hiện tượng muỗi kháng thuốc này.
Hiện nay nhiều đội xung kích hoạt động chưa hiệu quả, nhiều nơi còn làm lấy lệ, nhiều thành viên tuổi cao sức yếu không thể tìm bọ gậy ở những khu nhà cao 4- 5 tầng… Vậy lãnh đạo thành phố có nắm được tình hình này không, hoạt động này sẽ chấn chỉnh ra sao để đảm bảo hiệu quả diệt bọ gậy, tránh tình trạng Đội xung kích chỉ “đánh trống ghi tên”?
Qua thực tế thời gian vừa qua, nhiều đội xung kích diệt bọ gậy đã phát huy được hiệu quả trong công tác tuyên truyền và phối hợp cùng người dân trong việc tìm và xử lý các dụng cụ chứa nước có bọ gậy. Tuy nhiên, thời gian đầu mới thành lập, tại một số địa phương, một số thành viên đội xung kích có tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo. Thành phố đã kiểm tra, yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiện toàn theo đúng chỉ đạo của thành phố để hoạt động có hiệu quả hơn; kiểm điểm một số xã còn để đội xung kích hoạt động chưa hiệu quả.
Trong phòng chống sốt xuất huyết, diệt bọ gậy là quạn trọng nhất, song song với diệt muỗi tại ổ dịch để chặn đứng đường lây. Trong khi đó, theo thống kê của Hà Nội, có đến hơn 46% bọ gậy gây bệnh tập trung ở trong các bể trên 500 lít. Việc có cán bộ thường xuyên đi kiểm tra, đổ bỏ nước, hay thả cá trong các bể nước ăn này là khó khả thi. Vậy Hà Nội đã chỉ đạo, xử lý những ổ bọ gậy, ổ dịch này như thế nào? Hà Nội có “tính” đến chuyện đề nghị Bộ Y tế cho áp dụng khuyến nghị của WHO về việc sử dụng hóa chất diệt bọ gậy trong nước sinh hoạt (như Diflubenzuron, Pyriproxyfen và Temephos) để việc diệt bọ gậy được hiệu quả hơn không?
Về việc diệt bọ gậy, Thành phố đã thống kê có trên 20 loại dụng cụ chứa nước có bọ gậy, với mỗi loại dụng cụ chứa nước có biện pháp xử lý phù hợp. Đối với các bể nước lớn trên 500 lít, việc thả cá hoặc đổ bỏ nước thường xuyên là khó khả thi. Vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo người dân phải chủ động thực hiện việc đậy kín nắp các loại bể trên. Với các bể đã có bọ gậy thì cần thau rửa sạch, sau đó đậy kín nắp, không cho muỗi sinh sản vào trong bể. Việc sử dụng hóa chất diệt bọ gậy trong nước sinh hoạt cần có văn bản cho phép và hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất là thau rửa sạch và đậy kín nắp bể.
Thời gian qua, Hà Nội đã tiến hành xử phạt, quy trách nhiệm cho các đơn vị triển khai công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết chưa triệt để, tình hình dịch kéo dài và số ca mắc tăng cao như thế nào? Tới đây, Thành phố sẽ chú trọng công tác giám sát diệt muỗi, nhất là diệt bọ gậy như thế nào? Việc xử lý, quy trách nhiệm những lãnh đạo phường, xã để tình hình dịch “nóng” hơn có được thực hiện quyết liệt hơn không và cụ thể ra sao, thưa ông?
Thành phố đã có văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như Thành phố trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Để nâng cao hiệu quả diệt bọ gậy, lãnh đạo Thành phố yêu cầu trong thời gian tới, các xã, phường, thị trấn cần tiếp tục rà soát và thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, đội này. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tới từng người dân biết về bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng chống.
Qua đó, mỗi người dân tự tìm diệt bọ gậy tại gia đình và phối hợp với ngành y tế, chính quyền thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Qua công tác kiểm tra, Thành ủy đã nhắc nhở một số quận, huyện, thị xã rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố đã yêu cầu kiểm điểm một số xã còn để đội xung kích hoạt động chưa hiệu quả. Các quận như: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa cũng đã xử phạt hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của chính phủ đối với một số hộ gia đình kinh doanh chưa thực hiện nghiêm việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến ()