Thứ Bảy, 09/11/2024 23:34 (GMT +7)

Để sách điện tử phát triển đúng tầm

Thứ 4, 16/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Với các tiện ích, tích hợp trên nền máy tính, điện thoại thông minh, sử dụng nhanh gọn, tương tác cao, thuận tiện, sách điện tử đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên do chưa có phương pháp thích ứng, nhận thức chưa đúng, công nghệ chưa cao… nên sách điện tử phát triển chưa được như mong muốn.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo về xuất bản, phát hành sách điện tử do Cục xuất bản in và phát hành (Bộ thông tin và truyền thông) tổ chức vào ngày 15/ 12 tại TP Hồ Chí Minh.

Phát triển theo xu thế

Hiện sách điện tử Việt Nam đã và đang phát triển theo đúng xu thế của thị trường sách điện tử trên thế giới. Số đầu sách điện tử năm sau luôn cao hơn năm trước, thời gian truy cập và mua sách điện tử nhanh hơn, số lượng độc giả ngày càng nhiều… Đã có nhiều đơn vị, nhà xuất bản (NXB) tham gia phát hành sách điện tử như: NXB Tổng hợp TP.HCM (sachweb.vn), NXB Trẻ (Ybook), Vinabook, Miki…

Ngoài ra, Việt Nam có tốc độ phát triển Internet hàng đầu khu vực và trên thế giới, theo thống kê của trang WeareSocial, hiện đã có gần 40 triệu người Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên cùng trên 25 triệu tài khoản Facebook. Việt Nam cũng là thị trường điện thoại di động có mức tăng trưởng cao với mức 13%/năm. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển xuất bản điện tử ở nước ta và mở ra nhiều triển vọng cho ngành xuất bản Việt Nam trong thời gian tới.

Giới trẻ đang chuyển đổi thói quen đọc sách giấy sang đọc sách điện tử nhiều hơn.

Nhận thức được điều này, các NXB đã xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho sản phẩm này. Từ năm 2010 đến nay NXB Tổng hợp đã xuất bản được 1000 đầu sách điện tử, NXB Bách khoa đưa lên mạng được 60 đầu sách, NXB chính trị quốc gia- sự thật dự kiến đưa 100 đầu sách lên trang web Alezza.com của Vinapo… Đến năm 2016, NXB Chính trị Quốc gia- Sự thật sẽ số hóa toàn bộ tài nguyên sách từ 1945 đến nay với 30.000 đầu sách. Có thể nói, nhờ những đơn vị phát hành này mà thị trường sách điện tử tại Việt Nam ngày càng phong phú về số lượng cũng như chất lượng.

ThS Vũ Thùy Dương, Phó trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và tuyên truyền cho biết, dự báo trong khoảng 10 năm tới, sách in sẽ giảm còn 50% so với hiện nay và thay vào đó là sách điện tử. Ngoài ra, sách điện tử được coi là cứu cánh của văn hóa đọc khi lượng thanh niên, trẻ em nhờ có sách điện tử mà quay lại độc sách tăng cao, vì sách điện tử có nhiều tính năng hấp dẫn, thuận tiện với nhiều tính năng tương tác cao, âm thanh, hình ảnh thu hút…

GS.TS Vũ Văn Hùng, Tổng giám đốc, Tổng biên tập NXB Giáo dục, cũng cho rằng việc ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục- đào tạo tất yếu hướng tới việc hình thành và ứng dụng mô hình sách giáo khoa điện tử. Với ưu điểm của sách gọn, nhẹ theo thiết bị khai thác, không phụ thuộc vào số lượng sách, thích nghi với thế giới biến đổi nhanh, cập nhật nội dung mới dễ dàng và kịp thời, nội dung đa phương tiện, cho nên sách điện tử đã hỗ trợ khá nhiều cho ngành giáo dục. Thực tế, tại nhiều trường, nhờ giảng dạy bằng sách điện tử nên hiệu quả tiếp thu bài của học sinh, sinh viên tốt hơn.

Tăng cường quản lý

Phát biểu tại hội thảo nhiều đại biểu cũng nhìn nhận, sách điện tử có nhiều ưu điểm, lợi ích nhưng quy mô, trình độ của xuất bản điện tử còn khá nhỏ bé. Vai trò của các NXB chưa rõ ràng cho nên thị trường vẫn chủ yếu nằm trong tay các công ty chuyên về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng internet hay các nhà cung cấp mạng dịch vụ viễn thông. Nhiều NXB khác do không đáp ứng được yêu cầu của thị trường nên chỉ duy trì hoạt động theo dạng thăm dò hoặc phó thác cho đối tác liên kết là các doanh nghiệp phát triển công nghệ…

Ths. Nguyễn Nguyên, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản, Ban tuyên giáo Trung ương, cho hay, thời gian qua, nhiều NXB đã tìm cách phát triển sách điện tử, tuy nhiên loại hình sách này vẫn chưa phát triển như mong muốn. Nguyên nhân do thói quen dùng tiền mặt thay cho các phương thức thanh toán thay thế còn phổ biến trong đại đa số người dân nên không kích thích việc mua sắm sách điện tử. Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử diễn ra phổ biến, trở thành rào cản, gây nản lòng các nhà xuất bản, doanh nghiệp muốn phát triển sách điện tử. Ngoài ra, còn do một số NXB chưa thực sự quan tâm đến xuất bản điện tử nên chưa có bước đi phù hợp để phát triển mảng sách quan trọng này. Nhiều NXB còn thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ khoa học công nghệ cao để quản lý, phát triển sách điện tử…

Vì vậy, để phát triển sách điện tử, theo Ths Nguyễn Nguyên, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cơ quan nhà nước, quản lý, NXB nhận thức đầy đủ hơn về sách điện tử, coi phát triển xuất bản điện tử là một điều kiện để xuất bản Việt nam khi hội nhập. Cần tuyên truyền để nâng cao ý thức cho độc giả và người sử dụng về tác phẩm, về quyền tác giả, hỗ trợ tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận hợp pháp với tác phẩm. Xây dựng quy định về bảo vệ sở hữu trí tuê, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý chuyên ngành thông thạo công nghệ thông tin. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm trong hoạt động xuất bản. Các cơ quan chủ quản, NXB cần chủ động xây dựng chiến lược lâu dài về phát triển sách điện tử…

Vừa qua, việc phát triển xuất bản sách điện tử cũng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm bằng những chủ trương định hướng để tạo điều kiện cho loại hình xuất bản này phát triển. Ví dụ như Chị thị 42-CT/TW của Ban bí thư trung ương Đảng nhấn mạnh, yêu cầu phải đổi mới, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất- kỹ thuật công nghệ xuất bản; Áp dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa quy trình biên tập và thực hiện quản lý xuất bản theo tiêu chuẩn quốc tế; Nghiên cứu thí điểm xuất bản sách điện tử, trung tâm thông tin về sách…; Bổ sung các quy định, chính sách pháp lý, chính sách để các NXB chủ động tham gia hoạt động xuất bản. Đồng thời, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm hướng dẫn và quản lý chặt chẽ hoạt động xuất bản điện tử như điểu 25 của Luật xuất bản 2004, điều 52 của luật xuất bản 2012….

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước đã tạo nhiều điều kiện phát triển song quan trọng nhất là việc các NXB, các đơn vị phải xây dựng nội dung bản thảo chất lượng tốt, sau đó dùng hình thức điện tử để phát hành tới người đọc một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Có như vậy, mới giúp cho sách điện tử phát triển đúng hướng và tạo điều kiện tốt cho việc hội nhập quốc tế.

Hoàng Tuyết (Tin tức)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu