Theo các chuyên gia, trong cơ thể, khi xuất hiện tế bào ung thư thì đồng thời cũng sẽ xuất hiện các tế bào nhận diện ung thư tạo ra các đáp ứng miễn dịch đặc biệt sinh ra kháng thể thể dịch và kháng thể tế bào tấn công tế bào ung thư. Nhưng khi mất cân bằng về hệ miễn dịch thì tế bào ung thư sẽ phát triển mạnh lên. Liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư là phương pháp khôi phục sự cân bằng miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân, tái lập lại và tăng cường số lượng và chức năng các tế bào miễn dịch để tăng khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư.
Với liệu pháp này, bệnh nhân sẽ được lấy (khoảng 10 đến 30ml máu ngoại vi) để phân lập các tế bào miễn dịch, nuôi cấy và hoạt hóa các chức năng chuyên biệt của các tế bào này trong môi trường đặc biệt. Sau khi đủ số lượng và có được các chức năng mong muốn (chức năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư) tế bào miễn dịch sẽ được truyền trở lại cơ thể người bệnh, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh chống lại các tế bào ung thư. Hiện tại, liệu pháp tế bào miễn dịch được đánh giá là khá hiệu quả, an toàn, không có tác dụng phụ vì bệnh được truyền tế bào miễn dịch được phân lập, tăng sinh và hoạt hóa từ chính bản thân mình.
GS. TS. Tạ Thành Văn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài hợp tác cho biết: Tại Trường Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ với sự trợ giúp trực tiếp của chuyên gia Nhật Bản đã tách chiết, nuôi cấy và hoạt hóa tế bào miễn dịch của một số bệnh nhân ung thư cho kết quả rất tốt, số lượng tế bào sau nuôi cấy đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng (93-99%). Kết quả này là giai đoạn khởi đầu quan trọng cho việc ứng dụng trong điều trị trong thời gian tới.
Tại Nhật Bản phương pháp điều trị tiên tiến này đã được triển khai trong khoảng 10 năm qua tại một số cơ sở y tế đặc biệt. Năm 2013, liệu pháp tế bào trị liệu trong ung thư chính thức được Chính phủ Nhật Bản công nhận là một phương pháp điều trị hỗ trợ ung thư. Trong số khoảng gần 10.000 bệnh nhân ung thư (thận, phổi, dạ dày, gan…; mà đa số là bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, khối u đã di căn) được điều trị tại bệnh viện của đối tác Nhật Bản song chưa ghi nhận được bất cứ một tai biến hay tác dụng phụ nào. Tùy thuộc giai đoạn bệnh và loại ung thư, phương pháp này giúp kiểm soát bệnh, làm nhỏ hoặc biến mất khối u (khoảng 6%), nâng cao chất lượng sống (54%) (tình trạng lâm sàng được cải thiện: bệnh nhân ngủ được, không bị đau đớn, không phải dùng thuốc giảm đau…) trong khi vẫn cho phép kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư truyền thống khác như: phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị liệu.
Ý kiến ()