Thứ Hai, 23/12/2024 08:00 (GMT +7)

Di tích Xóm Trầu - Khắc ghi dấu ấn lịch sử

Thứ 3, 18/07/2023 | 15:29:11 [GMT +7] A  A

Tọa lạc tại Ấp 4, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Di tích Xóm Trầu là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương suốt thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày nay, địa danh này được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, trở thành địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng.

Di tích Xóm Trầu tại Ấp 4, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức

Theo người dân, trước kia, khu vực này buôn bán trầu tập trung nên bà con quen gọi là Xóm Trầu. Trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ đất nước, nơi đây ghi dấu quá trình hoạt động của những chiến sĩ kiên trung. Để nuôi giấu cán bộ lãnh đạo phong trào cách mạng, Nhân dân Xóm Trầu xây dựng hầm bí mật tại khu vực miễu Đức Hòa, nay là chùa Gia Phước.

Hầm bí mật - nơi trú ẩn của cán bộ lãnh đạo phong trào cách mạng

Bà Phạm Thị Chính, Ấp 4, xã Thạnh Đức kể lại: “Đào cái hầm bí mật này, tôi là người trực tiếp đưa những cái thau, những dụng cụ mà để xúc đất đi, từ đó tới sau này là cái hầm vẫn tồn tại. Phải nói là người dân ở đây rất yêu nước, nói chung bà con cũng bám trụ, giữ làng, giữ khu vực của Xóm Trầu và bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ”.

Chiếc hầm bí mật được tôn tạo lại để phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử    

Vùng đất cao, không ngập nước, cây cối rậm rạp, dễ rút lui khi địch tấn công là những yếu tố thuận lợi để đào hầm tại địa điểm này, qua đó dùng làm nơi hội họp, cất giấu tài liệu và trú ẩn trong giai đoạn địch khủng bố ác liệt (1969 - 1971), xây dựng lực lượng, củng cố địa bàn nhằm tấn công vào Sài Gòn sau này.         

Ông Nguyễn Hoàng Vinh - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Bến Lức cho biết: “Giai đoạn sau có đồng chí Phạm Thanh Phong - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An có ở trong hầm này.Trước đây hầm nó bằng đất, nắp hầm mình đóng cái cây giống như máng heo rồi mình để ngược, đổ đất lên, trồng cỏ, rồi rắc lá khô lên. Bà con mình nếu nghe nói nơi đây có thờ miễu bà này kia thì không ai dám đụng, chính yếu tố đó, khi làm hầm thì yếu tố tâm linh sẽ bảo vệ được căn cứ cách mạng ở đây. Nhờ đó, sau này từ chống Pháp, chống Mỹ tới hiện nay vẫn duy trì ở nơi đây, bà con xung quanh đây vẫn tôn tạo, gìn giữ di tích này”.

Ông Nguyễn Hoàng Vinh cùng bà con tham quan hầm bí mật

Di tích lịch sử Xóm Trầu là nơi thành lập Ban chỉ đạo Nam Kỳ khởi nghĩa quận Thủ Thừa, nơi treo cờ Búa Liềm trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trong phong trào Đồng Khởi 1960; đồng thời là nơi tập kết và trung chuyển vũ khí từ biên giới xuống vùng Nam lộ 4. Bộ đội, du kích chiến đấu nhiều trận ác liệt để bảo vệ vũ khí, lương thực, thuốc men của cách mạng.

Di tích Xóm Trầu được công bố là di tích cấp tỉnh, đây cũng là niềm phấn khởi lớn cho nhân dân và Đảng bộ xã Thạnh Đức, để phát huy tinh thần này, xã Thạnh Đức quyết tâm phấn đấu để hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội, bên cạnh đó cũng phát huy, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ thanh niên của xã nhà”, bà Nguyễn Thị Kiều Nga - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức chia sẻ.

 Nhà bia trong Khu di tích

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng trang sử vẻ vang của những năm tháng gian khổ, hy sinh vẫn mãi là niềm tự hào của xã Thạnh Đức nói riêng và huyện Bến Lức nói chung, từ đó hun đúc lòng yêu nước, tạo động lực mạnh mẽ để mỗi người con sinh ra ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng cùng góp sức xây dựng quê hương./.

Thanh Thủy – Vĩnh Hưng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu