Thứ Bảy, 16/11/2024 21:54 (GMT +7)

Dịch bệnh COVID-19 tác động lớn đến chuỗi cung ứng tại châu Á

Thứ 2, 17/02/2020 | 15:38:00 [GMT +7] A  A

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị cắt đứt do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV), hàng loạt các công ty đa quốc gia đã quyết định chuyển hoạt động sản xuất ra ngoài quốc gia châu Á này hoặc tìm kiếm các nguồn cung phụ tùng thay thế.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Hắc Long Giang, Trung Quốc ngày 9/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Báo Nikkei Asia Review cho biết, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã nối lại hoạt động sản xuất ở nhiều khu vực của Trung Quốc sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài, song cho đến nay, nhiều công ty mới chỉ khởi động sản xuất một phần.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất ô tô Trung Quốc, tính tới ngày 12/2, chỉ có khoảng 30% trong số 183 nhà máy lắp ráp ô tô ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại.

Kết quả khảo sát của Câu lạc bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ở Thượng Hải cho thấy dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng của 54% doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 23% doanh nghiệp cho biết họ có các kế hoạch sản xuất hoặc mua sắm thay thế trong trường hợp nhà máy ở Trung Quốc bị đóng cửa lâu dài.

Meiko Electronics, doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất các bảng mạch ô tô, hiện có cơ sở sản xuất lớn nhất ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Do cơ sở này chưa thể khôi phục sản xuất trước ngày 20/2, công ty đang cân nhắc sản xuất linh kiện tại các cơ sở đã có các giấy chứng nhận cần thiết như Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản hoặc Việt Nam. Đối với các sản phẩm chỉ có thể sản xuất tại nhà máy ở Vũ Hán, Meiko Electronics đã đề nghị khách hàng tìm các nhà cung ứng khác.

Thay vì nhập linh kiện từ các nhà máy của mình và các đối tác ở Trung Quốc, hãng chế tạo thiết bị xây dựng Komatsu của Nhật Bản đang chuyển hoạt động sản xuất về Nhật Bản và Việt Nam.

Daikin Industries – một tập đoàn khác của Nhật Bản – cũng đang cân nhắc chuyển hoạt động lắp ráp điều hòa nhiệt độ sang Malaysia hoặc một địa điểm khác ngoài thành phố Vũ Hán, hiện là tâm dịch ở Trung Quốc.

Trong khi đó, hãng sản xuất đồ thể thao Asics đang xem xét việc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Indonesia, những nước có các cơ sở đã từng làm gia công cho các nhà máy ở Vũ Hán.

Báo Nikkei Asia Review nhấn mạnh dù đây chỉ là điểm đến tạm thời để các công ty đa quốc gia nối lại hoạt động sản xuất, nhưng họ cũng có thể xem xét liệu những điểm đến mới có cạnh tranh hơn về mặt chi phí hay không, bởi chi phí nhân công tại Trung Quốc đang liên tục tăng.

Ông Dan Alpert, Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Westwood Capital có trụ sở ở New York, Mỹ dự báo trong quý II năm nay, Chính phủ Trung Quốc sẽ hạ giá đồng nội tệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đây có thể là động lực thôi thúc các công ty đang tạm thời chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài quay lại Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái này sẽ vi phạm thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1.

Theo Đào Thanh Tùng (TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/dich-benh-covid19-tac-dong-lon-den-chuoi-cung-ung-tai-chau-a-20200217115440949.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu