4
10
Y tế/
/y-te
34078
34058
Dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp ở Tây Nguyên
dich-benh-sot-xuat-huyet-van-dien-bien-phuc-tap-o-tay-nguyen
news
Long An| 30°C / 27°C - 33°C
Thứ Tư, 13/11/2024 13:40 (GMT +7)

Dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp ở Tây Nguyên

Thứ 4, 17/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Phun thuốc phòng, chống dịch sốt xuất huyết. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Hiện nay, tình hình bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang diễn biến phức tạp với số người mắc cao và đã có trường hợp tử vong.

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu để làm rõ nguyên nhân và các biện pháp phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng.

– Thưa Cục trưởng, hiện nay bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang diễn biến như thế nào?

Cục trưởng Trần Đắc Phu: Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2016 tình hình sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình như tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực, dịch bệnh sốt xuất huyết đã diễn biến phức tạp từ những tháng cuối năm 2015 kéo dài sang năm 2016.

Số người mắc những tháng đầu năm ở mức cao, cộng với các biến đổi bất thường về thời tiết, khí hậu làm cho dịch bệnh phát triển mạnh, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên.

Tính đến ngày 30/7, cả nước ghi nhận 49.049 trường hợp mắc tại 48 tỉnh, thành phố (tỷ lệ mắc là 48,2/100.000 dân), trong đó có 17 trường hợp tử vong; tỷ lệ chết/mắc là 0,035%.

Tuy nhiên, tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết/mắc của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực.

Số ca mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, chiếm 57,9% số ca mắc cả nước; tiếp theo là khu vực miền Trung chiếm 25,8%; riêng khu vực Tây Nguyên chiếm 15,1%.

Các tỉnh, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy cao nhất cả nước là: Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Bình Định, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Phú Yên và Bình Phước.

Riêng 4 tỉnh Tây Nguyên, trong 7 tháng đã ghi nhận 7.411 trường hợp mắc, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Dịch bệnh xảy ra ở 393/563 xã, phường, thị trấn và tại 48/50 huyện của 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.

Tỉnh có số trường hợp mắc cao nhất là Gia Lai với 3.081 người (chiếm 41,6% số ca mắc của khu vực), tỉnh Đắk Lắk là 1.865 (chiếm 25,9%), tỉnh Kom Tum là 1.387 (chiếm 18,7%), tỉnh Đắk Nông là 1.079 (chiếm 14,6%). Gia Lai, Đắk Lắk nằm trong 10 tỉnh có số mắc tích lũy cao nhất.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Y tế và sự tích cực phòng chống dịch của các tỉnh Tây Nguyên, số ca mắc sốt xuất huyết tại khu vực này những tuần gần đây đã chững lại, tuy vậy vẫn còn ở mức khá cao.

Bệnh sốt xuất huyết vẫn còn nguy cơ bùng phát trở lại nếu không tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống.

– Vậy nguyên nhân nào dẫn đến dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Trần Đắc Phu: Sự gia tăng nhanh các trường hợp mắc sốt xuất huyết khu vực Tây Nguyên những tháng gần đây được đánh giá là do một số nguyên nhân.

Bệnh dịch sốt xuất huyết thường có tính chất chu kỳ, cứ khoảng 3-5 năm lại có đợt bùng phát.

Sự giao lưu đi lại, buôn bán giữa Tây Nguyên và các vùng miền cũng làm tăng nguy cơ lan rộng các nguồn bệnh truyền nhiễm từ vùng này sang vùng khác.

Đồng thời, tại Tây Nguyên, dịch đã diễn biến phức tạp từ những tháng cuối năm 2015 kéo dài sang 2016, hiện nay vào mùa mưa càng tạo môi trường thuận lợi để dịch bệnh phát triển.

Bên cạnh đó, năm 2016 hiện tượng El nino xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt khu vực Tây Nguyên, làm nhiệt độ trung bình của môi trường tăng, hạn hán lâu ngày dẫn đến tăng trữ nước trong cộng đồng kéo theo đó là gia tăng sự phát triển muỗi.

Qua kiểm tra cho thấy tại khu vực này, trình độ dân trí và ý thức tự giác của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh sốt xuất huyết. Người dân chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh; đặc biệt, việc sử dụng thùng phuy chứa nước mưa, lốp xe công nông, xe máy cũ, các vật phế thải (chai lọ, chum vại) chứa nước đọng không được xử lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và loăng quăng/bọ gậy phát triển mạnh.

Nhiều hộ gia đình đã ký cam kết nhưng không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trong khi đó, mạng lưới y tế còn mỏng, địa bàn rộng; cán bộ y tế chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết dẫn đến nhiều nơi đáp ứng chưa kịp thời, triệt để.

Tại một số địa phương, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội chưa coi trọng công tác chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, kinh phí của chương trình mục tiêu phòng chống sốt xuất huyết năm 2016 của Trung ương chưa được cấp; kinh phí của các địa phương lại không có hoặc rất hạn chế, không đảm bảo đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là kinh phí tuyên truyền, thuê nhân công phun hóa chất diệt muỗi, việc triển khai chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có hành động cụ thể nào để phòng chống sự lây lan trong cộng đồng, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ở vùng trọng điểm?

Cục trưởng Trần Đắc Phu: Dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp nên ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch quốc gia và triển khai các hoạt động cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika, bệnh sốt xuất huyết.”

Ngay sau đó, chiến dịch nhân rộng ra 56 tỉnh, thành phố. Đồng thời, Bộ Y tế tổ chức các hoạt động trong tháng cao điểm hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” tại các địa phương; liên tục đăng các khuyến cáo, bài viết, tọa đàm và thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội, trên đài truyền hình trung ương, địa phương và qua tin nhắn điện thoại để người dân biết và chủ động phòng bệnh.

Bộ Y tế cũng tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh thường xuyên, phát hiện sớm các diễn biến bất thường để chỉ đạo phòng, chống dịch kịp thời; yêu cầu các Viện chuyên ngành hỗ trợ nhân lực, kỹ thuật cho các địa phương trong công tác giám sát, điều tra, chống dịch.

Đặc biệt, khi tình hình sốt xuất huyết tại một số địa phương có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế đã kịp thời có công văn, công điện gửi tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (bao gồm 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên) đề nghị tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Bộ Y tế đã kịp thời tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Trong đó, tháng Ba có 8 đoàn đi kiểm tra 16 tỉnh trọng điểm và tháng Bảy cũng có 8 đoàn kiểm tra 18 tỉnh có số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng cao. Các vụ/cục/viện/bệnh viện cũng đã tổ chức các đoàn công tác để chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết và thu dung điều trị bệnh nhân theo các khu vực được phân công.

Đồng thời, ngành y tế tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ dự phòng và cán bộ điều trị; các địa phương sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, dịch truyền để sẵn sàng chống dịch, thu dung điều trị bệnh nhân nhằm giảm mắc và giảm tử vong.

Cuối năm 2015, Bộ Y tế đã cấp phát máy phun, hóa chất và các trang thiết bị hỗ trợ các địa phương để chủ động phòng chống dịch.

Năm 2016, trước tình hình diễn biến phức tạp tại Tây Nguyên, Bộ Y tế đã cấp 2 tỷ đồng cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên, mỗi tỉnh 500 triệu đồng để triển khai tập huấn về giám sát, điều trị, truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết; cấp bổ sung 1.200 lít hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết cho 4 tỉnh Tây Nguyên (300 lít/tỉnh).

– Bộ Y tế có những khuyến cáo gì đối với người dân và cộng đồng để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả?

Cục trưởng Trần Đắc Phu: Bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắcxin phòng bệnh, vì vậy biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Những biện pháp này không thể thành công nếu không có sự tham gia của các cấp chính quyền và cộng đồng.

Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: Bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ… để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc, gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt loăng quăng, bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.

Người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

– Trân trọng cám ơn Cục trưởng!

(TTXVN/Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu