Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô, cuối giờ chiều nay, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức họp với Sở Y tế Hà Nội, chỉ đạo thực hiện các giải pháp khống chế dịch bệnh này. Đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội trong gần 8 tháng qua đã ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô có dấu hiệu chững lại. Tuần qua, toàn thành phố phát hiện 3.440 bệnh nhân sốt xuất huyết, giảm 7 trường hợp so với tuần trước đó. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận gần 17.400 ca mắc sốt xuất huyết, nhiều nhất so với số ca mắc cả năm của 10 năm trở lại đây. 7 bệnh nhân trong số đó đã tử vong.
Đến nay, Hà Nội đã huy động 25 máy phun công suất lớn trên ô tô, 10 máy phun mù nóng, 180 máy phun đeo vai để phun hóa chất diệt muỗi nhằm “hạ hỏa” dịch sốt xuất huyết.
Các quận, huyện của thành phố đã thành lập 26.038 đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 63.000 nghìn người tham gia, đã xử lý hơn 210.000 dụng cụ chứa nước có bọ gây. Tuy nhiên, 12 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội nhận định: hoạt động của các đội xung kích ở các địa phương chưa hiệu quả.
Trong khi đó, ông Trần Vũ Phong, Trưởng khoa Côn trùng và Động vật y học, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, mật độ muỗi có dấu hiệu giảm sau khi phun hóa chất nhưng các ổ bọ gậy vẫn còn nhiều và rất khó tìm; có gần 97% dụng cụ chứa nước đọng ở các nghĩa trang có chứa ổ bọ gậy.
Tại cuộc họp, một lần nữa Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, các cơ sở y tế không để bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ghép, không truyền dịch khi không có chỉ định của bác sỹ. Bệnh nhân có chỉ định truyền dịch thì phải nằm viện không được cho về nhà. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nghiên cứu sâu hơn về sự gia tăng của vi rút truyền bệnh. Thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi của người dân cũng như phổ biến các biện pháp phòng bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Hà Nội cần quyết tâm hơn trong việc phun hóa chất trên diện rộng bằng máy công suất lớn trên xe ô tô, kết hợp máy đeo vai vào từng nhà dân. Cơ bản nhất vẫn là thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết bằng cách lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước. Về điều trị bệnh nhân, dứt khoát phải phân loại bệnh, không cần thiết thì không cho nhập viện để tránh lây chéo, tránh quá tải”.
Trên bản đồ dịch tễ của Hà Nội, 12 quận huyện có dịch bệnh sốt xuất huyết đã ở mức báo động đỏ là Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân. Các quận, huyện có mức báo động cấp 2 là: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Long Biên. Các quận, huyện còn lại ở mức cảnh báo cấp 3./.
Ý kiến ()