Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 07:55 (GMT +7)
Điện Biên: Chủ động theo dõi, di dời dân ở vùng có sạt lở cao
Thứ 2, 07/08/2017 | 15:58:00 [GMT +7] A A
UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các sở, ngành và các lực lượng chức năng chủ động theo dõi, di dời dân ở vùng có nguy cơ cao về sạt lở đến nơi an toàn.
Ngôi nhà của ông Lường Văn Dinh, ở bản Xẻ 1, xã Phu Luông (Điện Biên), có nguy cơ sạt lở cao được chống tạm bởi cột gỗ. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN |
Để chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai và khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, UBND tỉnh Điện Biên đã yêu cầu các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý hồ, đập cần khẩn trương tổ chức trực ban theo quy định; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ trên địa bàn, thông tin kịp thời đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy và cấp có thẩm quyền về những tình huống đột xuất xảy ra để xử lý kịp thời.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, thôn bản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế qua lại, không đi vớt củi, đánh bắt cá tại các sông suối trong khi đang có mưa lũ; chủ động, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về diễn biến tình hình thời tiết, mưa lũ để sơ tán, di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu người, tài sản của Nhà nước và nhân dân tại các khu vực khi có thiên tai xảy ra; chuẩn bị những điều kiện để cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống, nhu yếu phẩm khác tại các nơi bị chia cắt, khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán.
Ngoài ra, chủ động theo dõi, kịp thời vận động và kiên quyết di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét; đặc biệt lưu ý ở các khu vực hai bên sông, suối, hạ lưu các ao, hồ, đập; kịp thời hỗ trợ gia đình bị thiệt hai theo chế độ, chính sách hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương; đảm bảo an toàn giao thông và thông tin liên lạc thông suốt đáp ứng các yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các địa phương và cơ quan, đơn vị cần chủ động sửa chữa, khắc phục thiệt hại để đảm bảo đời sống, sinh hoạt của nhân dân, chuẩn bị đón năm học mới.
UBND tỉnh Điện Biên cũng chỉ đạo các chủ hồ, đập công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành điều tiết, duy trì mực nước hồ, dung tích phòng lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Từ đêm 1/8 đến rạng sáng 5/8, toàn tỉnh Điện Biên có mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên… đã xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở và ngập lụt cục bộ tại một số địa phương, ước thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng 45 tỷ đồng. Mưa lũ đã làm 5 người chết. Cả 5 trường hợp tử vong này đều liên quan đến hoạt động đi vớt củi, đánh bắt cá tại các sông suối trong khi thời tiết đang có mưa lũ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn, do tập quán sinh sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thường chọn khu vực gần sông, suối là địa điểm có lợi thế về sinh hoạt để xây dựng nhà cửa. Một số người dân vào mùa mưa lũ do chủ quan nên vẫn đi bắt cá, sản xuất, vớt củi nên đã xảy ra trường hợp bị nước lũ cuốn trôi. Do vậy, ngoài công tác dự phòng, tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về công tác phòng chống thiên tai, nắm rõ được địa điểm, khu vực nguy hiểm để phòng tránh…
Ý kiến ()