Chủ Nhật, 19/01/2025 19:32 (GMT +7)

Diễn đàn VBF 2019: Tìm kiếm giải pháp để phát triển nền kinh tế bền vững

Thứ 6, 10/01/2020 | 14:50:00 [GMT +7] A  A

Ngày 10/1 tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019 (VBF) với chủ đề “Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”, gồm 3 phiên thảo luận chính đã được tổ chức, nhằm xác định những cơ hội và thách thức, kiến nghị giải pháp để phát triển nền kinh tế bền vững và thu hút đầu tư.

Diễn đàn có sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp thương mại của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Úc…

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việt Nam thực sự coi FDI là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI là những đội quân chủ lực của nền kinh tế. Khi cả ba loại hình doanh nghiệp này phát triển và bổ sung và hỗ trợ tốt cho nhau, nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh, bền vững.

Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã thực sự coi FDI là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế.

Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn luôn có sự đồng hành chủ động, tham gia tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhìn nhận: Việc lắng nghe đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp là điểm sáng trong công tác điều hành của Chính phủ. Trọng tâm của các nỗ lực đó là các Nghị quyết của Chính phủ về môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Lưu ý về tính ổn định của chính sách, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, nguyên tắc không hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp và người dân phải được bảo đảm khi xây dựng các quy định pháp luật; việc lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp luật cần được thực hiện một cách thực chất và thường xuyên, không ban hành, thay đổi chính sách một cách đột ngột. Thêm vào đó, các loại giấy phép quyền kinh doanh cũng cần được kéo dài thời hạn hoặc không xác định thời hạn nhằm giúp ổn định môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ: Hy vọng, năm 2020 sẽ có bước chuyển trong lĩnh vực này, để làm sao cho các cơ quan của Chính phủ thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng, là cơ quan Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn VBF 2019.

Tại VBF 2019 lần này, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) khẳng định, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất đối với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Đưa ra kiến nghị với Chính phủ Việt Nam, bà Amanda Rasmussen cho rằng, nền kinh tế kỹ thuật số là một thành phần chính của cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra tại Việt Nam. Duy trì một nền kinh tế kỹ thuật số mở và tự do là chìa khóa để duy trì tính cạnh tranh của Việt Nam và phát huy sự đổi mới, bà nói.

Do đó, đại diện AmCham sẵn sàng cung cấp chuyên gia khi Việt Nam xây dựng các quy định áp dụng đối với các công nghệ mới nổi lên gần đây như thanh toán điện tử, dịch vụ nội dung kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, và thành phố thông minh…

Cũng tại diễn đàn, bà Virginia Foote, Đồng Chủ tịch, Liên minh VBF dành sự quan tâm đến 3 ưu tiên quan trọng để phát huy vai trò, đóng góp của FDI cho tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.

Đầu tiên, nguồn vốn FDI có thể giúp Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân xây dựng các hệ thống hiệu quả hơn, dành ít thời gian và tiền bạc hơn cho các thủ tục hành chính. Thứ 2, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là hiển nhiên và cấp bách. Điểm quan trọng thứ 3 về vai trò của FDI đối với việc thiết lập nền hành chính và cơ sở hạ tầng cơ bản, tầm nhìn cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai.

“FDI sẽ bị thu hút bởi các chính sách của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chúng tôi sẽ sát cánh thực hiện các mục tiêu này. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam để phát triển nền giáo dục công và thiết lập các quy định chung đẻ xây dựng một Việt Nam xanh và sạch hơn”- bà bà Virginia Foote khẳng định.

Có thể nói, VBF 2019 là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Theo Trung Nguyên/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/kinh-te/dien-dan-vbf-2019-tim-kiem-giai-phap-de-phat-trien-nen-kinh-te-ben-vung-20200110103226345.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu