Chủ Nhật, 19/01/2025 16:15 (GMT +7)

Điện lực Long An đẩy mạnh tuyên truyền an toàn điện trong dân cư

Thứ 6, 15/03/2024 | 16:28:26 [GMT +7] A  A

Từ những ngày đầu năm Công ty Điện lực Long An (Công ty) đã phối hợp với chính quyền địa phương, thực hiện tuyên truyền An toàn điện đến từng khu vực trên địa bàn quản lý, nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản của khách hàng trong khi sử dụng điện, đặc biệt là trong mùa nắng nóng như hiện nay.

Cán bộ, nhân viên ngành điện lực Long An tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về an toàn điện

Xác định công tác tuyên truyền an toàn điện trong dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, hoạt động này giúp ngăn ngừa sự cố lưới điện, giảm thiểu tai nạn điện trong dân, cũng như giúp dân thực hiện cách thức phòng tránh ngăn ngừa tai nạn điện có thể xảy ra trong đời sống sinh hoạt.

Từ lâu những thói quen và sự vô ý của người dân như: Tự ý trèo lên cột điện, trạm biến áp; thả diều vướng vào đường dây; treo các loại biển hiệu, quảng cáo vi phạm khoảng cách an toàn; xây dựng công trình nhà ở vi phạm hành lang lưới điện,… là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn điện.

Ông Huỳnh Minh Lực - Trưởng phòng An toàn cho biết: "Để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền an toàn điện trong dân, đảm bảo phục vụ đời sống dân sinh, ổn định phát triển kinh tế thì mỗi CBCNV phải là một tuyên truyền viên, tích cực thông tin đến người dân hiểu được nguy cơ, tác hại của những việc làm ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện, trạm điện, đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và bảo vệ an ninh, an toàn cho hệ thống lưới điện". 

Năm 2024, Công ty tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn điện trong dân. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, Công ty đã xây dựng nhiều phương án thực hiện và tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức như: Thường xuyên thông báo và khuyến cáo đến người dân trên các báo, đài phát thanh - truyền hình thông qua những hình ảnh, bản tin, phóng sự thực tế; treo pano, áp phích với nhiều khẩu hiệu tuyên truyền tại những nơi tập trung đông người như chợ, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí; đăng các tin bài tuyên truyền trên mạng xã hội như Fanpage, Facebook, Zalo; tăng cường kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng ngăn chặn, quyết liệt xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm về an toàn điện, đồng thời thường xuyên gửi tin nhắn khuyến cáo đến khách hàng sử dụng điện qua tin nhắn Zalo.

Vừa qua trên địa bàn tỉnh Long An đã xảy ra 01 trường hợp tai nạn điện làm cho 01 người bị thương do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) tại huyện Bến Lức. Trong khi lắp đặt biển hiệu quảng cáo, anh thợ đã vô tình để cây sắt hộp vuông vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện với lưới điện 22kV làm người công nhân bị phóng điện gây tai nạn và sự cố lưới điện.

Tài liệu  tuyên truyền an toàn điện được thiết kế dễ nhìn, dễ hiểu để nhân dân nhanh chóng nắm bắt

Theo Điều 4 của Nghị định 14/2014/NĐ-CP các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

- Trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ.

- Sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp.

- Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.

- Lắp đặt ăng ten thu phát sóng; dây phơi; giàn giáo; biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp.

- Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện.

- Bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện.

- Đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp, trạm điện.

- Đắp đất, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải vi phạm khoảng cách an toàn.

- Sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác.

- Nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hóa học có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện.

- Đốt nương rẫy, sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình lưới điện, trạm điện, nhà máy điện.

- Điều khiển các phương tiện bay có khoảng cách đến bộ phận gần nhất của công trình lưới điện cao áp nhỏ hơn 100m, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.

- Để cây đổ vào đường dây điện khi chặt tỉa cây hoặc lợi dụng việc bảo vệ, sửa chữa công trình lưới điện cao áp để chặt cây.

Quy định đối với đường dây dẫn điện sau điện kế (đồng hồ điện, công tơ điện)

Từ điện kế đặt ngoài trụ điện về đến nhà người dân phải đảm bảo lưới điện sau điện kế theo tiêu chuẩn lưới điện hạ áp nông thôn (Mục 4, Phụ lục kèm theo Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016), cụ thể:

- Hệ thống điện ngoài nhà phải đảm bảo các tiêu chí: Dây điện có lớp vỏ cách điện, tiết diện phù hợp với công suất sử dụng của khách hàng. Cột đỡ phải đảm bảo độ cao lớn hơn bằng 04 mét, đường kính trên 80mm, độ chôn sâu đảm bảo cột không bị nghiêng và không ảnh hưởng đến phương tiện giao thông đi lại.

- Lưới điện dây dẫn điện phải sử dụng loại đảm bảo chất lượng, tiết diện dây phù hợp với công suất sử dụng để tránh gây sự cố đứt dây, chạm chập đứt dây, dẫn đến tai nạn và cháy nổ.

Với việc thiết kế lắp đặt hệ thống điện, thiết bị điện trong nhà ở và nhà công cộng

 Phải thiết kế, lắp đặt hệ thống điện, thiết bị điện trong nhà ở và nhà công cộng theo QCVN 12:2014/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng” và Tiêu chuẩn TCVN 9206:2012 thiết kết lắp đặt thiết bị điện trong nhà. Trong đó phải lưu ý các nội dung sau:

- Cầu dao, cầu chì, Aptomat, công tắc, ổ cấm phải đặt nơi khô ráo và nên đặt ở vị trí cao để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ và tránh khả năng ngập nước.

- Sửa chữa điện trong nhà chỉ tiến hành sửa chữa khi đã cắt nguồn điện, thử không còn điện và treo biển cấm đóng điện.

- Những mối nối giữa hai dây dẫn phải nối chắc chắn, so le nhau và được băng cách điện kỹ để tránh rò điện.

- Lắp đặt dụng cụ, thiết bị, máy móc sử dụng điện phải thực hiện đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, phải nối đất an toàn cho vỏ thiết bị theo hướng dẫn.

- Khi mạng, thiết bị điện bị ngập nước phải cắt ngay nguồn điện của gia đình và không được chạm vào bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền ẩm ướt.

- Thường xuyên tự kiểm tra các đường dây điện xung quanh nhà không để dây dẫn điện tróc vỏ chạm mái tole, kết cấu kim loại gây rò điện.

- Lắp Aptomat chống rò điện: mỗi hộ gia đình nên trang bị aptomat chống rò điện nhằm tác động ngắt điện kịp thời nếu xảy ra rò điện hoặc chẳng may có người bị điện giật.

- Không buộc dây dẫn điện lên các bộ phận bằng kim loại của nhà xưởng, công trình kiến trúc; các bảng hiệu, panô, áp phích, biển quảng cáo,…

- Chặt, phá bỏ toàn bộ cây cối, dây leo nằm trong hành lang đường dây dẫn điện.

- Không dán, vẽ, viết các nội dung quảng cáo làm che lấp các nội dung biển báo hiệu nguy hiểm trên các kết cấu của công trình điện.

- Không kéo dây điện dọc theo các hàng rào kẽm gai, B40 hoặc kết cấu kim loại khác mà không được nối đất an toàn.

  1. Khi có người bị điện hạ áp giật cần khẩn trương thực hiện các biện pháp sau:

- Khẩn trương tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Nhanh chóng ngắt cầu dao, cầu chì, aptomat gần nhất, đồng thời hô to để mọi người đến trợ giúp, gọi số điện thoại cấp cứu 115.

- Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào nạn nhân khi chưa tách nguồn điện và tránh xa những dây điện bị đứt rơi xuống đất. Trường hợp chưa ngắt được nguồn điện cần thực hiện ngay một trong các biện pháp như sau: Dùng sào tre hay gỗ (khô) gạt dây điện ra khỏi nạn nhân; Đứng trên bàn (gỗ hoặc vật liệu cách điện) nắm lấy quần áo khô của nạn nhân để kéo ra khỏi nguồn điện; Dùng dao hoặc búa có cán gỗ khô chặt đứt dây điện, nhanh chóng cứu chữa người bị nạn, đồng thời gọi điện thoại cấp cứu.

- Khi phát hiện những bất thường trên lưới điện như: dây tải điện bị đứt, cây cối ngã đổ vào đường dây, trạm điện, cột điện bị đổ, vỡ sứ,… cần báo ngay cho chính quyền địa phương, công an địa phương hoặc đơn vị quản lý điện gần nhất để cắt điện và xử lý khắc phục kịp thời. Số điện thoại Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam 19001006 và 19009000.

Ngoài các hoạt động tuyên truyền theo chỉ đạo của Công ty, đơn vị đã phân công CBCNV trực tiếp đến tại nhà dân, tư vấn tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi kèm các bài báo đăng các vụ tai nạn điện thương tâm đã xảy ra đến từng hộ gia đình sinh sống trong và hai bên hành lang an toàn lưới điện cao áp. Đồng thời, đề nghị khách hàng ký cam kết đảm bảo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, không câu móc, cơi nới các công trình,… vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Bên cạnh đó, các tuyên truyền viên cũng khuyến nghị người dân tắt bớt các thiết bị điện khi không sử dụng; hạn chế sử dụng nhiều thiết bị cùng một lúc để tránh quá tải; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ lưới điện, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cá nhân, tổ chức sinh sống, làm việc gần hành lang lưới điện.

Để công tác tuyên truyền trở thành hành động thiết thực của người dân thì ngoài nỗ lực của ngành Điện, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Với sự phối hợp tích cực từ phía khách hàng cùng sự vào cuộc quyết liệt của tất cả mọi người, tin rằng công tác “đảm bảo an toàn điện trong dân” trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng đạt hiệu quả cao./.

 Quế Quyên

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu