Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 07:57 (GMT +7)
Điều tiết hàng hóa, kiểm soát chặt thị trường sau mưa lũ
Thứ 3, 03/11/2020 | 09:46:00 [GMT +7] A A
Để ngăn chặn hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường sau mưa lũ, nhiều địa phương đã chỉ đạo tăng cường dự trữ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh thiếu hụt hàng hóa, cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng…
* Tại Cần Thơ, do mưa lớn kéo dài kết hợp với lũ và triều cường dâng cao trong nhiều ngày qua đã làm cho giá rau màu các loại trên địa bàn thành phố tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với thời điểm bình thường.
Cụ thể như đậu cove, cà chua, cà phổi… có giá trên dưới 30.000 đồng/kg, tăng 50% so với giá trước đây khoảng 1 tháng. Các loại cải như cải bẹ dúng, cải xanh, cải ngọt, cải làm dưa, bí đỏ, bí xanh… có giá trên dưới 25.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm bình thường.
Nhà vườn Đà Lạt thu hoạch rau cung cấp cho thị trường. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN
Riêng các loại rau mùi như hành, ngò, gừng, ớt… do khó trồng và nhạy cảm với mưa lũ nên giá bán từ 40.000 đến 100.000 đồng/kg, tăng trên dưới 100% so với giá bình thường. Ngay cả các loại rau dễ trồng trong mùa mưa như bầu, mướp, mồng tơi, rau muống và các loại rau mọc tự nhiên trong mùa mưa… cũng tăng giá khoảng 50% so với ngày thường do không đủ nguồn cung.
Theo các tiểu thương bán rau màu tại các chợ cho biết, nguyên nhân giá cả các loại rau màu hiện nay tăng cao là do tình hình mưa lũ và triều cường làm ngập úng nhiều diện tích trên địa bàn làm nguồn cung khan hiếm. Không riêng gì ở Cần Thơ mà tất cả các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều có chung tình hình giống nhau.
Ngay cả các loại rau màu được trồng trong các nhà lưới ở Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng không bị ảnh hưởng của mưa lũ hay triều cường được nhập về bán tại các chợ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có giá bán tăng hơn ngày thường từ 20 – 30% do nguồn cung khan hiếm.
Theo ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ, hiện mỗi năm nông dân các quận, huyện ngoại thành sản xuất trên 13.200 ha rau màu các loại với sản lượng đạt khoảng 157.500 tấn. Tuy nhiên, với diện tích và sản lượng nói trên vẫn không đủ để cung cấp cho người dân trên địa bàn.
Sản lượng rau màu tiêu thụ trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện nay ngoài nguồn cung từ nông dân tại địa phương còn có một lượng lớn được cung ứng từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Lâm Đồng. Tuy nhiên, tại các vùng trồng rau màu lớn ở Cần Thơ cũng như các tỉnh lân cận vừa qua đều bị ảnh hưởng của mưa lũ và triều cường làm cho diện tích và sản lượng sụt giảm mạnh nên giá cả tăng cao.
Hiện tại các chợ, chỉ có các loại thủy sản tự nhiên và thủy sản nuôi như tôm, cá nước ngọt các loại có giá thấp giảm từ 10 – 20% do đang là mùa lũ, sản lượng khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đều tăng nên giá cả cũng giảm theo.
* UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Công văn số 5288/ UBND- NNTN về việc khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 9 và mưa, lũ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu lưu thông hàng hóa; phối hợp với các địa phương kịp thời điều tiết hàng hóa khi có nhu cầu. Đồng thời, chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh, các nhà phân phối có biện pháp tăng cường dự trữ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường, phòng ngừa việc thiếu hụt, khan hàng trên địa bàn tỉnh cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng, chống các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng để kịp thời sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu xây dựng, tổ chức các điểm bán hàng đúng giá niêm yết tại các xã, huyện trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Cục Quản lý Thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng tung tin thất thiệt…; phối hợp với Sở Công Thương về tình hình thị trường khi xảy ra biến động, đặc biệt tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 9, lũ lụt sau bão để có phương án xử lý; điều chuyển hàng hóa kịp thời trong đó, lưu ý các mặt hàng thiết yếu có khả năng tăng giá, thiếu hụt sau bão như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng (tôn lợp, đinh vít, xi măng,…).
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho hay, do người dân chủ động tích trữ lương thực nên sức mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm (lúa, gạo, mì tôm, lương khô…) sau bão không cao; giá cả vẫn cơ bản ổn định.
Chỉ riêng mặt hàng thực phẩm rau, củ… giá cả có tăng nhẹ do khan hiếm về nguồn cung; các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, cá…và các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm) cũng chỉ tăng nhẹ trong ngày 29/10 và giữ ổn định cho đến thời điểm hiện tại.
Thống kê, bão số 9 đã làm hơn 14.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Do vậy, nhu cầu mua tôn, ngói, xi măng, đinh vít… để sửa chữa lại nhà ở của người dân tăng đột biến. Trong khoảng 3 ngày sau khi bão tan, một vài địa phương trong tỉnh xảy ra đứt hàng cục bộ đối với mặt hàng ngói và tấm lợp do không đủ lượng hàng cung ứng.
Trước tình hình đó, Sở Công thương đã huy động các nhà phân phối ngoài tỉnh tăng cường vận chuyển lô hàng ngói lợp, tấm lợp về Quảng Ngãi, góp phần giải quyết hiện tượng thiếu hụt cục bộ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương kêu gọi vận động doanh nghiệp dập, cán tole ngoài tỉnh lắp đặt các trạm dập, cán tole di động, sử dụng máy phát điện tại chỗ để kịp thời cung ứng nhu cầu của nhân dân.
Theo ông Võ Minh Tâm, quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Quảng Ngãi, qua khảo sát, Cục Quản lý Thị trường tỉnh nhận thấy, phần lớn các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo bán hàng đúng giá niêm yết. Chỉ có một vài điểm kinh doanh nhỏ lẻ xa xôi đã xảy ra tình trạng tự ý nâng giá bán.
Cùng với đó, một số chủ xe ba gác đã tranh thủ thời điểm này, nắm bắt được tâm lý muốn mua nhanh, hạn chế xếp hàng chờ đợi của người dân nên đã mua tôn, ngói của đại lý rồi “tuồn” ra ngoài bán lại với giá cao hơn để trục lợi. “Nếu đơn vị nào cố tình bán không đúng với giá niêm yết đưa ra thì cơ quan sẽ tiến hành truy thu hoặc xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật”, ông Tâm cho biết thêm.
https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/dieu-tiet-hang-hoa-kiem-soat-chat-thi-truong-sau-mua-lu-20201102161721793.htm
Ý kiến ()