Thứ Tư, 22/01/2025 23:03 (GMT +7)

Định giá AVG có dấu hiệu trục lợi?

Thứ 7, 24/03/2018 | 15:56:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Theo chuyên gia kinh tế, vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG là trường hợp điển hình ở quy mô cực lớn của việc đẩy giá mua bán DN nhà nước.

Định giá hơn 13.000 tỷ đồng cho ‘tài sản vô hình’ của AVG

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố toàn văn kết luận thanh tra dự án Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG. Theo đó, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31/3/2015, tổng tài sản 3.260 tỷ đồng; nợ phải trả hơn 1.266 tỷ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định là hơn 208 tỷ đồng. Tổng tài sản sau khi loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình (tổng số tiền 2.473 tỷ đồng) thì giá trị tài sản của lĩnh vực truyền hình là hơn 787 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 1.266 tỷ đồng, do đó vốn kinh doanh của mảng truyền hình âm 479 tỷ đồng.

Mặt khác, từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, nguồn vốn sử dụng cho hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng. TTCP xác định con số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).

dinh gia avg co dau hieu truc loi hinh 1
‘Tài sản vô hình’ của AVGđược định giá hơn 13.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)

Dù thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, nợ cả nghìn tỷ, làm truyền hình thì thua lỗ, song các công ty tư vấn định giá vẫn “dán” những con số khủng lên thương hiệu của AVG.

Trong đó, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thẩm định là 24.548 tỷ đồng; Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC thẩm định 33.299 tỷ đồng; Hà Nội Valu thẩm định 18.519 tỷ đồng. Công ty Tư vấn Đầu tư và thẩm định giá AMAX đưa ra con số thẩm định là 16.565 tỷ đồng, trong đó, giá trị tài sản hữu hình là 3.117 tỷ đồng, giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng. Sau đó, kết quả định giá của AMAX được Mobifone sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỷ đồng.

TTCP cho rằng, kết quả thẩm định giá của AMAX đưa ra là không có cơ sở. Về giá trị tài sản vô hình của AVG mà AMAX định giá, TTCP đã trưng cầu giám định của Bộ Tài chính nhưng không có kết quả. Ngoài ra, thông tin từ TTCP cũng cho biết, Công ty AMAX đã sử dụng nguồn tài liệu bất hợp pháp trong quá trình định giá AVG. Đơn vị tư vấn này sử dụng nguồn số liệu của VCBS.

Từ đó, TTCP cho rằng, sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỷ đồng nêu trên và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỷ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31/3/2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp); so với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng.

Có dấu hiệu trục lợi?

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết, ở các nước, những vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) các công ty quy mô lớn đòi hỏi chuyên môn rất cao, thường do các quỹ đầu tư lớn tư vấn hoặc hỗ trợ làm để bảo đảm hiệu quả cho các bên. Nhưng tại Việt Nam, sự phát triển của thị trường tài chính, các tổ chức tài chính để thực hiện việc mua bán DN lớn còn thiếu và yếu. Do đó, có tình trạng lợi dụng điểm yếu đó để thực hiện hành vi trục lợi. Cụ thể, trong giai đoạn 2017-2018, đã có nhiều trường hợp tổng công ty nhà nước bị thiệt hại khi mua cổ phần. Vụ việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG là trường hợp điển hình ở quy mô cực lớn của việc đẩy giá mua – bán DN nhà nước.

dinh gia avg co dau hieu truc loi hinh 2
TS Đinh Thế Hiển: “Ngay cả trên thế giới, những thương vụ mua bán, định giá doanh nghiệp lớn vẫn có thể xảy ra thiệt hại cho bên mua hoặc bên bán”.

“Việc định giá này không phải định giá theo phương pháp so sánh thông thường trên thị trường bởi khi những mua công ty này là mua chính quyền quản lý nên giá trị định giá có thể có chênh lệch rất lớn tùy theo quan điểm định giá, mà chính từ đó, có thể tạo thành khe hở cho người cố tình trục lợi trong việc quyết định mua hoặc quyết định bán. Ví dụ trong trường hợp này là những người lãnh đạo của Mobifone là quyết định mua thì họ có thể trục lợi khi mà cách thức định giá chênh lệch rất lớn và khó xác định”, TS Đinh Thế Hiển cho biết.

TS Đinh Thế Hiển cho rằng, khi thực hiện một thương vụ mua bán quy mô lớn như Mobifone mua AVG nếu có sai sót thì lỗi đầu tiên thuộc về nhóm có trách nhiệm hoạch định chiến lược thực hiện việc mua này.

“Trách nhiệm trực tiếp nhất là Hội đồng quản trị của Công ty Mobifone, chịu trách nhiệm thứ 2 là cơ quan chủ quản của Mobifone đó là Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua chiến lược này. Thứ 3 là Bộ Tài chính, là cơ quan đồng ý cho Mobifone bỏ số tiền lớn mua. Đó là trách nhiệm của việc thực hiện chiến lược và kế hoạch để mua AVG sai với chủ trương của Chính phủ”, TS Hiển nhấn mạnh.

Theo TS Đinh Thế Hiển, vụ việc Mobifone mua 95% cổ phần AVG là bài học rất “kinh điển” cho những thương vụ mua – bán công ty lớn có liên quan tới nhà nước.

Việc định giá thương hiệu vốn là một vấn đề đặc biệt phức tạp. Rất khó tìm căn cứ xác định để định giá một thương hiệu trị giá hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng bởi hiện vẫn chưa có quy định nào quy định chi tiết về vấn đề này. Khi nhà đầu tư mua lại doanh nghiệp thì sẽ tính đến giá trị tài sản hữu hình của doanh nghiệp ấy, đó là hệ thống khách hàng, giá trị máy móc thiết bị công nghệ, đất đai, nhân sự… còn về giá trị thương hiệu được xác định thế nào lại phụ thuộc vào sự tính toán của người mua.

Theo một số chuyên gia kinh tế, trong vụ này thì có lẽ không thiệt hại cho vốn nhà nước, bởi vì Mobifone và nhóm cổ đông AVG đã hủy hợp đồng, và phía Mobifone nhận được nhiều hơn những gì họ đã trả cho AVG tại thời điểm mua. Tuy nhiên, để làm rõ hơn những vấn đề có liên quan thì cần xem lại cả từ kết luận của Thanh tra Chính phủ, cả giải trình của Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và những đơn vị khác có liên quan. Sự công khai, minh bạch cần được đảm bảo đối với giá trị gói mua bán thương vụ này cũng như cách tính thương hiệu và phải tôn trọng cả quyền giải trình của những cá nhân, đơn vị liên quan./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu