Tất cả chuyên mục
![](https://media.la34.com.vn/upload/files/logo/Logo_LA34.svg.png)
Không được học hành bài bản, nhưng chính những khó khăn trong cuộc mưu sinh đã buộc những người nông dân chân đất không ngừng sáng tạo để phục vụ nhu cầu cuộc sống, tăng năng suất lao động. Và một trong những gương tiêu biểu cho phong trào sáng tạo kỹ thuật nhà nông sẽ được chúng tôi giới thiệu ngay sau đây nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội nông dân Việt Nam 14.10.
Trình độ chỉ lớp 6 trường làng nhưng anh Đinh Văn Sơn xã Long Cang, huyện Cần Đước lại khá thành công khi sở hữu cho mình một “gia tài” đồ sộ mà ai cũng phải trầm trồ nể phục. Gia tài ấy không phải là thứ vật chất bên ngoài mà chính là hàng loạt những sáng chế kỹ thuật rất hữu dụng, phục vụ đắt lực cho ngành nông nghiệp từ giản đơn như máy trộn, máy cắt rau, máy nghiền đến các thiết bị kỹ thuật phức tạp như máy bắt rầy tự động, máy nén viên cám,…
Máy nghiền, sấy phế, phụ phẩm thành cám viên phục vụ chăn nuôi trong xưởng của anh Đinh Văn Sơn tại xã Long Cang, huyện Cần Đước, Tỉnh Long An
Anh Đào Tấn Huy, một khách hàng mới của anh Sơn đến từ quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh trầm trồ khen ngợi: “Nghe mọi người chỉ tôi tìm đến anh Sơn. Khi đến nơi tôi mới bất ngờ, thật tình tôi không nghĩ những chiếc máy này được làm từ một anh nông dân như anh Sơn, mà phải do các kỹ sư học hành bài bản chế chứ”
Những sáng chế của anh đều có tính ứng dụng rất cao, đặc biệt là sản phẩm máy nén viên cám. Ngay sau khi chế tạo thành công vào năm 2012, đến nay anh Sơn đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước hơn 500 máy đủ công suất khác nhau, với ưu điểm vượt trội là giúp nông dân tận dụng phụ phẩm tươi nén thành cám phục vụ chăn nuôi với giá thành rẻ hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 40-50% giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận.
Anh Đinh Văn Sơn (thứ hai từ phải sang) đang trao đổi với khách hàng.
Từ nhiều năm nay Thượng tọa Thích Quang Hạnh, Trụ trì chùa tháp Kỳ Quan, tỉnh Kon Tum đã là khách hàng quen thuộc của anh Sơn vì ông rất quan tâm đến việc giúp đỡ những nông dân. Vừa đặt anh Sơn “chế tạo” chiếc máy để “nung” các phế phẩm từ gỗ, nông sản …thành than để bón cho đất theo ý của ông, Thượng tọa chia sẻ: “Nông nghiệp thì còn rất nhiều khó khăn mà chú Sơn có được các giải pháp cụ thể thế này thì sẽ giúp ích được rất nhiều cho nông dân. Trước đây tôi cũng đã đến đây, cùng với các giáo sư trong ngành nông nghiệp và các giáo sư cũng đánh giá rất cao các giải phảp của chú Sơn. Ở vùng của tôi thì các phế phụ phẩm rất là nhiều, lần này tôi đặt một cái máy và tôi tin rằng sẽ giúp cho bà con nông dân đỡ vất và hơn bằng những sản phẩm tiện lợi này”.
Máy chế tạo phân bón viên từ phân phân chuồng và phế phẩm nông nghiệp
Sự sáng tạo đối với nông dân Đinh Văn Sơn là không giới hạn, cuộc sống của anh luôn tất bật trong niềm đam mê với cơ khí. Kết quả là mỗi năm anh đều cho ra đời một thiết bị, sáng chế mới. Và đây chính là sản phẩm mới nhất của anh – máy xử lý phân bón vừa giúp người dân tận dụng phế phẩm chăn nuôi chế tạo ra phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt vừa góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường nông thôn. Rành rọt về trồng trọt, chăn nuôi như một kỹ sư nông nghiệp và am hiểu về kỷ thuật, thiết kế như một kỹ sư cơ khí đã giúp anh Sơn thành công với hàng loạt những giải pháp kỹ thuật hiệu quả. Nhiều lần anh Sơn đạt giải sáng tạo kỹ thuật nhà nông của tỉnh, của quốc gia và đặc biệt, anh là 1 trong 2 nông dân điển hình của Long An vinh dự được tặng giải thưởng toàn quốc “nhân tài đất Việt”.
Ông Trần Văn Chiêm, chủ tịch Hội nông dân huyện Cần Đước, Tỉnh Long An cho biết: “Các sản phẩm của anh Sơn rất phù hợp với nhu cầu thực tế của bà con nông dân trong huyện, nhất là nó góp phần đưa việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong xây dựng nông thôn mới của Cần Đước”.
Có thể thấy, sự sáng tạo bất ngờ, đôi khi không tưởng ngoài bằng cấp học vị, vẫn xuất hiện một cách tự nhiên mang nhiều ẩn số mà anh Đinh Văn Sơn là một điển hình.
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()