Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 07:26 (GMT +7)
Do chưa minh bạch nên giá bán thịt lợn bị đẩy lên quá cao
Thứ 5, 05/03/2020 | 15:08:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Giá bán thịt lợn bị đẩy lên quá cao làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Việc kiểm soát giá thịt lợn có yếu tố quyết định đối với việc kiểm soát lạm phát.
Người tiêu dùng chưa kịp hưởng lợi từ giá lợn hơi giảm sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi và khuyến cáo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá lợn hơi xuống mức 75.000 đồng/kg thì đến nay, giá lợn hơi đã tăng 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Chị Lê Văn Bình, tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Từ Tết ra giá chênh lệch khoảng 5.000 đồng/kg lợn hơi, nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây giá lại tăng thêm 5.000 đồng. Giá bán từ 115.000 – 120.000 đồng/kg, mua ở lò là 105.000 đồng/kg, đắt lắm. Pha thịt ra bán 120.000 đồng/kg, chả bán được, ế lắm. Nhà hàng nghỉ hết”.
Bà Trần Văn Bé, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội vừa xuất bán 100 con lợn, với trọng lượng hơn 120kg với giá 86.000 đồng/kg. Cách đây nửa tháng, khi lợn sắp đến lứa xuất chuồng bà Bình nghe nói doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá xuống còn 75.000 đồng/kg dự đoán giá đến lúc xuất bán giá sẽ giảm sâu, thế nhưng chỉ khoảng 1 tuần trở lại đây giá lợn lại quay đầu tăng mạnh, thương lái điện thoại hỏi mua liên tục.
Do chưa minh bạch nên giá bán thịt lợn hiện nay bị đẩy lên quá cao.
Giá lợn “nhảy múa” khiến người tiêu dùng chưa kịp hưởng lợi sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi và khuyến cáo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá xuống mức 75.000 đồng/kg, thì nay lại tăng mạnh trở lại. Giá cả thường theo quy luật cung cầu, cung nhiều giá giảm và ngược lại.
Ông Nguyễn Khả Khoa, Phó trạm trưởng Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội cho biết, sau Tết nguyên đán số lượng lợn nhập về cơ sở giết mổ tập trung Vạn Phúc giảm mạnh. Nếu như trước đây bình quân 1 ngày đêm cơ sở này giết mổ từ 1.800 – 2.000 con lợn, nhưng hiện nay chỉ còn từ 1.100 – 1.300 con.
“Nguyên nhân theo nhận định chủ quan trong thời gian qua dịch Covid-19 xảy ra nên các bếp ăn tập thể và trường học bán trú tạm ngừng do học sinh nghỉ học nên nhu cầu giảm nhiều, chính vì vậy số lợn được giết mổ tại cơ sở giảm đi rõ rệt” – ông Khoa nói.
Không chỉ người tiêu dùng “không biết đường nào mà lần” mà ngay cả các thương lái lợn cung cấp cho các lò mổ cũng phụ thuộc vào giá lợn tăng từng ngày, chị Bùi Thị Hằng, hộ kinh doanh lợn ở cơ sở giết mổ tập trung Vạn Phúc, huyện Thanh Trì bày tỏ, buôn bán ế ẩm trong khi giá lợn hơi tăng từng ngày, nhiều lúc không có lợn để bắt.
“Chợ đầu mối tập trung nên lợn được lấy từ nhiều công ty cũng như lợn trong dân nên cũng có nhiều mức giá vì chi phí vận chuyển. Đi chợ giờ hôm nào nhiều thì bắt nhiều, hôm nào ít thì bắt ít. Giá còn tùy thuộc vào chất lượng lợn. Giá 75.000 đồng/kg nhưng giá thành phẩm giữa lợn móc hàm và giá lợn hơi phải chênh lệch khoảng 30 giá vì cộng thêm các loại chi phí như: vận chuyển, kiểm dịch…” – chị Hằng nói.
Có các tiểu thương lấy buôn khoảng 10 con lợn sau đó pha mảnh để bán lẻ qua nhiều khâu trung gian đẩy giá lên. Giá hiện nay cao không những người tiêu dùng phải chịu vì ít sử dụng thịt lợn mà còn ành hưởng đến việc buôn bán của các thương lái tại lò mổ, chị Hằng nói thêm.
Tại phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các giải pháp để bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt lợn, báo cáo cụ thể tình hình thực hiện cho Chính phủ. Yêu cầu giá lợn hơi phải giảm 10% trong tháng 2 và tháng 3, tiếp tục giảm về mức 60.000 – 65.000 đồng/kg. Các tháng tiếp theo, giá lợn hơi phải bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000 – 50.000 đồng/kg, đây là mức bình thường trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi.
Yêu cầu bộ chủ trì là Bộ Công Thương, phải trả lời cho Chính phủ tại sao giá thành chăn nuôi lợn thấp mà giá bán lại vẫn cao như hiện nay. Tại sao không thiếu thịt lợn mà giá không xuống. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Tổng cục Thuế sớm có yêu cầu kiểm tra hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, tổn thất từ dịch của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Cũng ngay tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, để ứng phó với tình hình bất lợi do dịch bệnh Chính phủ sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với yêu cầu các Bộ bảo đảm thực hiện chỉ tiêu về thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái đàn lợn và làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi để giảm giá bán thịt lợn, vì hiện nay nguồn cung chỉ còn thiếu hụt khoảng 5%, còn giá thành nuôi lợn hơi trung bình chỉ có 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do khâu giết mổ chưa minh bạch nên giá bán thịt lợn hiện nay bị đẩy lên quá cao làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Việc kiểm soát giá thịt lợn có yếu tố quyết định đối với việc kiểm soát lạm phát hiện nay./.
Theo Minh Long/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/do-chua-minh-bach-nen-gia-ban-thit-lon-bi-day-len-qua-cao-1017816.vov
Ý kiến ()