Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 08/01/2025 10:30 (GMT +7)
Doanh nghiệp logistics Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh
Thứ 7, 28/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Để chuẩn bị cho việc hướng tới hội nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn cần sự chuẩn bị rất nhiều.
“20 năm trở lại đây, hoạt động logistics tại Việt Nam phát triển rất nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng với tốc độ phát triển khoảng từ 15 -20%/năm. Điều này cho thấy, doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam có sự trưởng thành và đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài”, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết tại “Hội nghị quốc tế logistics Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC)” diễn ra vào sáng ngày 27/11 tại TP Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh hội nghị quốc tế logistics Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 |
Cũng theo ông Đỗ Xuân Quang, để chuẩn bị cho việc hướng tới hội nhập cộng đồng kinh tế Asean (AEC) vào cuối năm 2015, các DN logistics Việt Nam vẫn cần sự chuẩn bị rất nhiều. Việc tham gia AEC tuy mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho ngành logistics Việt Nam, bởi AEC đòi hỏi ngành logistics sắp tới phải có một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế bình đẳng và một khu vực hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu. “Nói một cách ngắn gọn, AEC sẽ biến ASEAN thành một khu vực tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề và tự do di chuyển dòng vốn”, ông Quang cho biết
Có thể thấy, với vai trò xuyên suốt trong toàn bộ quá trình nhập nguyên vật liệu làm đầu vào cho sản xuất, sản xuất ra hàng hóa, đưa hàng hóa vào các kênh lưu thông và phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng, logistics được coi là “xương sống” của hoạt động thương mại giữa các nước thành viên ASEAN. Theo đó, hội nhập dịch vụ logistics được kỳ vọng sẽ là phương tiện để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình liên kết giữa các ngành sản xuất trong nội bộ từng quốc gia thành viên cũng như giữa các nước ASEAN với nhau, hướng tới sự thành công của AEC 2015. Chính vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế nhằm giúp cho các công ty cung cấp dịch vụ logistics gặp gỡ các khách hàng tiềm năng thiết lập những mối quan hệ hợp tác song phương, giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, tạo sự gắn kết giữa thị trường dịch vụ logistics Việt Nam trong các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều DN logistics nước ngoài đến tham gia hội nghị |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nhật cũng cho biết: Đối với Việt Nam, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 19,12 tỷ USD năm 2014; nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN chiếm 17,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, đạt 23,1 tỷ USD vào năm 2014. Trong quan hệ đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2015, ASEAN có 2.632 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 54,6 tỷ USD. “Việc thực hiện AEC cũng như các hiệp định FTA và TPP sẽ tạo cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam những cơ hội trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tạo cơ hội về thị trường hàng hóa, tạo ra khí thế và động lực cũng như nâng cao năng lực cạnh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam do tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ mang lại”, ông Nguyễn Nhật khẳng định.
Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Quang lo ngại, hiện năng lực quản trị của DN logistics Việt Nam vẫn yếu và thiếu. Thực tế cho thấy, Việt Nam có 1.200 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, nhưng phần lớn là các DN nhỏ với vốn đầu tư trung bình khoảng 6 -7 tỷ đồng, DN hàng trăm tỷ hay ngàn tỷ chỉ là cá biệt. Với vốn đầu tư thấp này khó có thể đầu tư một kho hiện đại hay một xe hiện đại, công nghệ quản trị tốt. Ngoài ra, nguồn phát triển nhân lực hiện nay của ngành logistic cũng rất thiếu, theo tính toán của Hiệp hội chỉ mới đáp ứng được khoảng trên 5% nhu cầu thị trường. Để hội nhập sắp tới, ngành logistics phải đào tạo và tái đào tạo rất nhiều. Dự kiến trong vòng 3 năm tới, cần khoảng 30.000 lao động nữa trong ngành logistics. Và điểm đào tạo cho nguồn nhân lực ngang bằng với ASEAN cũng đang là một thách thức.
Các DN logistics trong và người nước cam kết liết kết hỗ trợ thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cùng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập. |
Mặt khác, công nghệ quản trị chuỗi cung ứng đưa nguyên vật liệu đầu vào và quá trình sản xuất đầu ra để đưa sản phẩm đến đầu cuối người tiêu dùng vẫn còn nhiều hạn chế so với các công ty toàn cầu. Do đó, thị phần logistics Việt Nam bị chi phối rất nhiều bởi các công ty liên lục địa, công ty toàn cầu nước ngoài. Cụ thể, có 25 DN logistics toàn cầu nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng đã chiếm 80% thị phần, 20% còn lại thuộc các DN Việt. Điều cho thấy, miếng bánh thị phần 35 tỷ USD trong ngành logistics đa phần do các doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi, Do đó, sắp tới DN Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh để giành lại thị phần tại Việt Nam.
Điểm thách thức nữa ngành logistics Việt Nam phải đối mặt là chi phí logistics hiện nay rất cao, chiếm khoảng gần 21% tổng GDP. Nếu GDP Việt Nam là 185 tỷ thì chi phí logistics hiện nay chiếm đến khoảng 35 – 36 tỷ, rất cao so với khu vực. Trong khi đó, Singapore, Bắc Mỹ, Châu Âu chỉ có khoảng dưới 10%. Nguyên nhân chi phí cao là sự bất hợp lý về kết cấu, kết nối cơ sở hạ tầng với nhau. “Mặc dù các cảng, sân bay, nhà ga, các khu công nghiệp, logistics xây rất nhiều nhưng vẫn không kết nối lại với nhau được, có những cảng xây xong không có đường vào mà chúng ta chưa có khu phố logistics, nên hạ tầng kết nối giao thông chưa đồng bộ, yếu kém, chi phí cao là vậy. Bên cạnh đó thì nguyên nhân thiếu nguồn nhân lực, hành chính của nhà nước còn bất cập, như xe tải không được đi vào ban ngày mà phải đi ban đêm, cầu chỉ có 25 tấn tải trọng nhưng xe container thường chở đến 35 tấn tải trọng”, ông Quang chia sẻ thêm.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, cùng sự chuyển dịch cơ cấu xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần cải thiện năng lực kinh doanh, marketing, xây dựng thương hiệu, giành thế chủ động trong đàm phán hợp đồng để thay đổi tập quán mua CIF, bán FOB, tạo điều kiện cho ngành logistics Việt Nam phát triển. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang soạn thảo kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ. Bộ Công thương cũng đang tiến hành xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại 2005, trong đó có các quy định về logistics để sớm trình Quốc hội thông qua và Nghị định 140/2007/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics; đồng thời Bộ Công thương đang thúc đẩy và hỗ trợ việc củng cố Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam để phát huy vai trò của mình trong tiến trình hội nhập AEC.
Ý kiến ()